• 4624 lượt xem
  • 19:55 19/06/2022
  • Kinh tế

COP26: Thị trường tín chỉ carbon - Người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, chủ động tham gia vào những sáng kiến quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong đó có thị trường tín chỉ carbon. Tại COP26 diễn ra tại Glassgow, Vương Quốc Anh mới đây, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050.

VIỆT NAM SẮP CÓ THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

 Thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác.  Đây cũng là cách tiếp cận mới quan trọng được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực kể từ 1/1/2022.

Nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó có lộ trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Theo lộ trình này, đến năm 2028, Việt Nam sẽ có thị trường tín chỉ carbon trong nước hoàn chỉnh.

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việt Nam xác định thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon hữu hiệu trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia (NDC).  Hiện nay, đang tham gia Chương trình Sẵn sàng thực hiện thị trường các-bon (PMI) cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, triển khai thí điểm một số lĩnh vực để sau năm 2027 sẽ vận hành được thị trường các-bon trong nước.

Như vậy từ năm 2028, các doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, và chi phí chắc chắn không hề nhỏ. Nếu các nhà máy, doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp Carbon, họ sẽ phải mua tín chỉ Carbon để bù đắp lượng phát thải của mình.  Tuy nhiên với những doanh nghiệp vốn đã quan tâm tới vấn đề môi trường thì đây là là thông tin tích cực.

Chị NGUYỄN THANH PHƯƠNG, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Tuệ Viên: Là doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững, Tuệ Viên chỉ chờ thị trường này được thực hiện ở Việt nam. Tôi nghĩ thị trường này là mối quan hệ hai chiều, doanh nghiệp hướng tới tín chỉ, tín chỉ cũng hướng tới những doanh nghiệp phát triển bền vững….

Ông TOKURA SHIRO, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH Yuko Việt Nam: “Thị trường giao dịch CO2 trong nước sẽ trở nên sôi động hơn trong việc giao dịch các tín chỉ các-bon phù hợp trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế. Đồng thời, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ các cơ chế trao đổi. Tôi mong đợi điều đó. Trong tương lai, sẽ có nhiều giao dịch hơn nữa khi Chính phủ thúc đẩy các hệ thống chứng nhận”

Có thể nói thị trường tín chỉ carbon sẽ là cú hích cần thiết để nhanh chóng giảm lượng phát thải đồng thời thúc đẩy những thực hành tốt trong bảo vệ môi trường, tiến tới đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xanh. Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu những quy định của thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng và đặc biệt là minh bạch để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia vào thị trường này.

CÁC DOANH NGHIỆP BĂN KHOĂN VỀ THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

Với những định hướng kỹ càng và từ sớm từ xa trong công tác bảo vệ môi trường, Công ty Cổ phần Shinec khẳng định thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ là cơ sở để doanh nghiệp này hiện thực hóa kế hoạch giảm thiểu khí nhà kính của mình nhanh hơn. Tuy nhiên theo doanh nghiệp này, do thị trường này là khái niệm khá mới mẻ nên các doanh nghiệp dường như hiện đang còn rất điều băn khoăn.

Ông PHẠM HỒNG ĐIỆP, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec: Các doanh nghiệp chỉ lo ngại chính sách không rõ ràng hoặc những tiêu chí tiêu chuẩn của tín chỉ phát thải này không rõ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách, còn nếu như chính sách rõ ràng thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tham gia và tham gia rất tích cực. Chúng tôi mong muốn có một tổ chức độc lập và các chỉ số được quản lý công khai trên mạng để mọi người thấy được đây là một doanh nghiệp làm tín chỉ carbon thật. 

Khi thị trường tín chỉ carbon được vận hành, một điều chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều không thể không xây dựng các phương án để cắt giảm phát thải. Mặt khác hệ thống này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn, vì giờ đây việc gây ô nhiễm sẽ trở nên tốn kém. Chính vì vậy các doanh nghiệp đều mong muốn, sau nghị định 06/2022 sẽ có những văn bản cụ thể, chi tiết hơn nữa để các doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, nắm bắt được các quy định và có sự chuẩn bị để tham gia.

Ông NGUYỄN VĂN PHI, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP luyện thép Việt Nhật: Để giảm thiểu khí nhà kính, chắc chắn phải áp dụng công nghệ mới như vậy sẽ phải tiêu tốn nhiều kinh phí, chính vì vậy chúng tôi mong muốn có những quy định cụ thể rõ ràng để có phương án sao cho hiệu quả kinh tế.

Bà NGÔ THỊ TỐ NHIÊN, Giám đốc Điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE): “Việc mình xác minh là ngành nào, công ty nào, sản phẩm nào hiện đang phát thải bao nhiêu thì vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Vì vậy tôi nghĩ rằng là điểm quan trọng mấu chốt sẽ là phải verify được là sản phẩm đó hiện đang phát thải bao nhiêu? Nó tuỳ thuộc vào nhóm công nghệ khác nhau.”

 Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, cùng cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các doanh nghiệp, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường xây dựng thị trường tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để có một thị trường tín chỉ carbon hoàn chỉnh, còn rất nhiều việc Việt Nam cần phải làm ngay.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ XÂY DỰNG BẰNG ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

 Mặc dù hiện cơ sở pháp lý để xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước của Việt Nam đã có, lộ trình cũng đã được xây dựng kỹ lưỡng. Dẫu vậy, để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần phải áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin cũng như có phương án truyền thông để các doanh nghiệp biết tới thị trường này.

TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có rất nhiều việc phải làm bởi qua nhiều bài học, có những việc hình dung như vậy mà lại không phải là như vậy. Chúng ta phải nhanh chóng bắt tay vào thực tiễn để biết được rằng chúng ta đã có cái gì và còn thiếu cái gì để mà khắc phục.

Ông TOSHIHIDE SUGAWARA, Tổng giám đốc Công ty Yuko-Keiso: “Tôi cho rằng, điều quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của Việt Nam là nâng cao nhận thức bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo, sự kiện, trao đổi và học tập kinh nghiệm. Trong đó, các công ty và Chính phủ sẽ đóng vai trò trung tâm.”

Ông MUTHIKUMARA MANI, Chuyên gia của WB: Để có một thị trường carbon hiệu quả, điều quan trọng là phải đảm bảo sự tham gia của khu vực tư nhân. Do đó, chính phủ Việt Nam phải khuyến khích khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào thị trường carbon, tiếp cận với khu vực tư nhân tư nhân, hiệp hội ngành công nghiệp, giải thích cho họ về thị trường carbon, giải thích cho họ về lợi ích của thị trường carbon.

Cũng theo các chuyên gia, khi xây dựng thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam cũng cần phải học hỏi những kinh nghiệm quốc tế để triển khai, thực hiện có hiệu quả. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế.

Trong bối cảnh môi trường sống của con người đang ngày càng bị đe dọa, triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu của thế giới. Hy vọng rằng những người trực tiếp xây dựng thị trường này của Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, gạn đục khơi trong kinh nghiệm của các nước để có được những giải pháp tốt nhất, từ đó xây dựng được một thị trường tín chỉ carbon hoàn chỉnh, đáp ứng được mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính. Và đến đây thì phần trình bày của tôi cũng xin được kết thúc.