Cụm tiêu điểm: Hàng triệu tấn CO2 phát thải từ sản xuất vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn ở Việt Nam. Theo tính toán, phát thải khí nhà kính từ ngành này có thể lên đến 125 triệu tấn CO2 tương đương vào 2030 và 148 triệu tấn CO2 tương đương vào 2050, gấp 2-3 lần so với năm 2015. Từ thực tế đó, “xanh hóa” quy trình sản xuất vật liệu xây dựng được xem là hướng đi tất yếu trước yêu cầu giảm phát thải, hiện thực hoá mục tiêu Net Zero vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Hàng triệu tấn CO2 phát thải từ hoạt động của những lò vòng truyền thống như thế này, để sản xuất ra sản phẩm gạch nung cho ngành xây dựng. Theo số liệu thống kê, với 1 tỉ viên gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp; nhiên liệu là 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 và các khí độc hại khác.

Thực tế, quá trình nung phát sinh ra nhiều vấn đề như: tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đặc biệt là nếu dùng than nung truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, việc sử dụng đất sét làm vật liệu chính để nung gạch còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đất đáng kể.

Theo ước tính, đến năm 2030, nhu cầu VLXD của nước ta vào khoảng 50 tỉ viên gạch. Nếu đáp ứng được nhu cầu này 90% gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng trên 60 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000-3.200 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn khoảng 5,8-6,2 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 20 triệu tấn khí CO2.

Trước thực trạng nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt, công nghệ nung đốt gây phát thải, ảnh hưởng đến môi trường và diện tích đất nông nghiệp, vật liệu xây không nung ra đời, là một trong những phát minh xanh trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt, phát triển ngành vật liệu xây không nung có vai trò hỗ trợ rất lớn trong xử lý chất thải tro xỉ của một số ngành như nhiệt điện than, sản xuất sắt thép… 

Để đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/ 2010 và Quyết định số 2171/2021, với lộ trình cụ thể nâng tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng đến năm 2030. Tuy nhiên, qua thực tế đã cho thấy, việc thực hiện tỷ lệ sử dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Ngọc Tuấn -

Hiền Trang