Cụm tin quốc tế tối 23/03: Tiếp tục đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quá trình đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 1 tháng qua đang gặp khó khăn, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục. Cùng với đó là các tin tức cập nhật về vụ việc rơi máy bay tại Trung Quốc; các nước châu Âu ứng phó với giá khí đốt tăng cao.

Trong phát biểu bằng video đăng tải ngày 23/3, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy cho biết dù hai đoàn đàm phán Nga và Ukraine duy trì đối thoại định kỳ, nhưng đến nay cả hai đều cho rằng việc đạt được thoả thuận vẫn còn xa vời.

Tổng thống Ukraine VOLODYMIR ZELENSKIY: Chúng tôi tiếp tục việc đàm phán ở nhiều cấp khác nhau để thôi thúc Nga tiến tới hoà bình… các đại diện Ukraine đang tham gia đàm phán gần như hằng ngày. Nhưng rất khó khăn, đôi khi là đối đầu. Dù vậy, chúng tôi đang tiến về phía trước từng bước một."

Cùng ngày, Điện Kremlin bày tỏ mong muốn cuộc đàm phán đang diễn ra trở nên "tích cực và thực chất hơn". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ phía Nga đã chuyển bằng văn bản các yêu cầu cho phía Ukraine nhiều ngày trước đó và Moskva hy vọng Kiev sẽ đưa ra câu trả lời thực chất và nhanh chóng.

Đường phố Ukraine Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/3, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine xác nhận Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có bài phát biểu tại hội nghị này. Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong ngày 23/3 tại Brussels (Bỉ) theo giờ địa phương. 

MỸ VÀ CHÂU ÂU SẼ TĂNG CƯỜNG TRỪNG PHẠT NGA

Nhà Trắng vừa phát tín hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu có ý định gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố các biện pháp bổ sung này trong chuyến thăm châu Âu tại Brussels, Bỉ từ ngày 23/3.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden sẽ cùng với các đối tác của Mỹ áp dụng thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời siết chặt các biện pháp hiện tại. 

Ông JAKE SULLIVAN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh NATO khẩn cấp với sự tham gia của các nhà lãnh đạo của 29 quốc gia NATO. Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có đảm bảo các biện pháp được thực thi.”  

Ông Sullivan cũng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận về những điều chỉnh trong dài hạn về sự hiện diện của NATO ở sườn phía đông châu Âu cũng như các hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này cũng đang gây tổn thương cho cả nền kinh tế toàn cầu.

LIÊN HỢP QUỐC KÊU GỌI SỚM CHẤM DỨT CHIẾN SỰ TẠI UKRAINE

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết hiện 'có đủ khả năng để chấm dứt các hành động thù địch' và tiến hành đàm phán hòa bình nghiêm túc giữa Nga và Ukraine.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh cần chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine bằng biện pháp hòa bình. 

Tổng thư ký ANTONIO GUTERRES: "Cuộc chiến này là bất phân thăng bại. Sớm muộn gì cũng phải chuyển từ xung đột sang hòa bình, và đó là điều tất yếu. Tiếp tục chiến sự ở Ukraine là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc ngừng giao tranh và tạo ra cơ hội hòa bình. Đã đến lúc chấm dứt cuộc xung đột phi lý này.”

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, chiến sự đang gia tăng và "ngày càng tàn phá và khó lường hơn theo từng giờ".

THỔ NHĨ KỲ NHẮC LẠI YÊU CẦU GIA NHẬP EU

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu ở Brussels để thảo luận về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Liên minh châu Âu nối lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này mong muốn Liên minh châu Âu nhanh chóng mở các cuộc đàm phán về việc gia nhập Eu của nước này và bắt đầu bằng việc thảo luận về liên minh thuế quan. Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ và An-ka-ra đang tìm cách nâng cao vai trò quốc tế bằng những nỗ lực hòa giải. Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu, được khởi động vào năm 2005, nhưng đã bị đình trệ trong những năm gần đây do hai bên có căng thẳng nghiêm trọng trong một số vấn đề.

VỤ RƠI MÁY BAY Ở TRUNG QUỐC: PHI CÔNG KHÔNG PHẢN HỒI CUỘC GỌI TỪ KIỂM SOÁT VIÊN KHÔNG LƯU

Chiều 23/3, lực lượng chức năng Trung Quốc đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn tại Quảng Tây hôm 21/3. Việc tìm thấy hộp đen ghi lại các thông tin và dữ liệu chuyến bay có thể giúp các cơ quan điều tra làm rõ điều gì đã xảy ra trước khi chuyến bay chở khách này gặp sự cố và lao thẳng xuống khu vực đồi núi ở tỉnh Quảng Tây.

Trước đó, Cục Hàng không Dân dung nước này cho biết, các nhân viên kiểm soát không lưu đã nhiều lần cố liên lạc với phi công của chuyến bay sau khi chiếc máy bay lao xuống, nhưng không nhận được phản hồi. Chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 14h23 phút (theo giờ địa phương), 3 phút sau khi bắt đầu hạ độ cao. 
Dựa trên thông tin hiện tại, các nhà điều tra chưa thể đưa ra nhận định rõ ràng về nguyên nhân khiến chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn, tất cả phải chờ giải mã hộp đen.

EU BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG KHỎI CHI PHÍ GIÁ NĂNG LƯỢNG TĂNG CAO

Với việc giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục hiện nay, các nước Liên minh châu Âu đã chi hàng tỷ Euro cho việc cắt giảm thuế và trợ cấp để giảm bớt tình trạng chi phí năng lượng tăng cao. Trong đó, Bỉ đang là quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực thúc đẩy vấn đề giới hạn giá khí đốt tại châu Âu. 

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho biết, khi thị trường không hoạt động, chính phủ sẽ cần phải can thiệp, chẳng hạn giới hạn giá khí đốt". Theo đó, Bỉ đang là quốc gia tiên phong tại châu Âu về đề xuất giới hạn giá, kết hợp với việc mua chung khí đốt giữa các nước EU. Cả hai ý tưởng này đều nhận được sự ủng hộ từ Tây Ban Nha. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussel ngày 24-25/3, Bỉ sẽ đề xuất những phương án bổ sung để các nước giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, cung cấp 40% lượng khí đốt của EU. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến Ủy ban châu Âu lên kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong một vài năm tới bằng cách tăng cường nhập khẩu từ nơi khác, mở rộng và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.

Bùi Thảo