Cụm tin quốc tế tối 27/5: Lạm phát toàn cầu ở mức cao nhất kể từ sau Đại suy thoái năm 2008

Lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu đang khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo; G7 họp thảo luận đối phó khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học; BRICS thành lập Uỷ ban chung về hợp tác không gian... là những tin đáng chú ý tôi 27/5.

KINH TẾ TOÀN CẦU TRƯỚC “MỐI LO NGẠI KÉP” LẠM PHÁT VÀ SUY THOÁI

Chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, nền kinh tế thế giới đã chịu tác động mạnh và dẫn đến nhiều thay đổi. Nổi bật trong đó là tình trạng lạm phát đang xảy ra ở nhiều quốc gia, dẫn đến nguy cơ suy thoái chung.

Thống kê cho thấy, lạm phát toàn cầu đã tăng trong năm qua từ dưới 2 - 6%, cao nhất kể từ năm 2008. Theo Giám đốc truyền thông của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ trở thành yếu tố đẩy lạm phát tăng cao hơn trong năm nay.

Tỷ lệ lạm phát tại Nga tăng đến 16,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015. Còn tại Mỹ, nền kinh tế nước này cũng  đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ lạm phát có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái. Lạm phát của nước này là 7,9% trong tháng 2, cao nhất trong 40 năm.

Tại Châu Âu, Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho biết thực trạng lạm phát tại các nước sử dụng đồng euro tăng lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 3, cao nhất kể từ năm 1997. Người tiêu dùng tại Châu Âu hiện đang chịu áp lực lớn do giá cả thị trường tăng cao từ lương thực, chi phí sinh hoạt và các loại năng lượng khí đốt. 

Tình hình tại Châu Á có biến chuyển khả quan hơn, song một số nhà kinh tế không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, tiến trình phục hồi hậu đại dịch hiện chưa đạt được mức ổn định.

G7 THẢO LUẬN ĐỐI PHÓ KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU, Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC

Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã tổ chức họp tại thủ đô Berlin, Đức trong 2 ngày 26-27/5. Chủ đề chính của cuộc họp đề cập tới cách thức đối phó với khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời đưa ra hướng giải quyết các vấn đề về năng lượng.

Trong khuôn khổ hội nghị, một loạt chủ đề như hành động chung của G7 thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp ước khí hậu Glasgow, tài chính khí hậu, cách thức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo, khử CO2 trong các lĩnh vực điện, giao thông, công nghiệp và xây dựng, phát triển hydro xanh và bền vững; hợp tác quốc tế ngoài G7...Bên cạnh đó, bảo vệ khí hậu và mở rộng năng lượng tái tạo là những vấn đề về chủ quyền năng lượng, do đó cũng là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, Châu Âu và quốc tế. Về vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học ở các vùng biển, G7 cam kết thiết lập thêm các khu bảo tồn biển, hạn chế xả rác thải.

KHỐI BRICS THÀNH LẬP UỶ BAN CHUNG VỀ HỢP TÁC KHÔNG GIAN

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa thành lập Uỷ ban chung về hợp tác không gian, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quan trắc và chia sẻ dữ liệu vệ tinh viễn thám giữa 5 quốc gia thành viên.

Trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến giữa các cơ quan vũ trụ từ năm quốc gia thành viên của BRICS  bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Uỷ ban chung về hợp tác không gian của Nhóm BRICS đã công bố chính thức khởi động hợp tác quan sát chung và chia sẻ dữ liệu thông qua Chòm sao vệ tinh viễn thám BRICS.

 Ông GAN YONG - Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA): “Ủy ban là cơ quan ra quyết định cho Chòm sao vệ tinh viễn thám BRICS. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS năm nay, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên. Chúng tôi muốn xây dựng một nền tảng để thúc đẩy việc áp dụng dữ liệu vệ tinh viễn thám để nâng cao mức độ hợp tác.”

Ủy ban chung mới sẽ cho phép các cơ quan vũ trụ BRICS hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách chia sẻ và sử dụng dữ liệu hiệu quả.
 

Đinh Phượng