Đà Nẵng: Thiếu cơ sở vật chất trong giáo dục phổ thông

Thiếu thốn cơ sở vật chất tại các trường học là vướng mắc, khó khăn cần sớm tháo gỡ. Đây là nội dung trong buổi làm việc của đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa với UBND TP. Đà Nẵng.

Hội trường, phòng đọc sách, phòng vi tính, đều được trường tiểu học này tận dụng làm phòng học. Các em không thể ngồi thoải mái vì bàn ghế sát nhau, thậm chí ngồi đối diện. Trường có tỷ lệ học sinh quá cao so với quy định - hơn 1.600 em trên 44 lớp. Trường phải tự tuyển hợp đồng 7 giáo viên mới đủ đứng lớp.

Cô NGUYỄN THỊ GÁI, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thị Bôi, Đà Nẵng: “Trường cũng đã làm nhiều tờ trình xin các cấp xây thêm phòng học, yêu cầu phải tách đôi trường ra, nhưng nghe nói chưa có quỹ đất để xây dựng trường mới."

Bên cạnh đó, khó khăn trong tuyển dụng, bố trí lớp sau khi lực chọn môn học cũng được chỉ ra, đáng nói là câu chuyện chọn lệch, một số môn học được đăng ký rất ít.

Ông NGUYỄN QUANG HƯNG, Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng: “Có những nhóm môn học sinh chọn rất lớn, chúng tôi biên chế lớp và đội ngũ giáo viên cũng khó khăn, và ngược lại, có một số nhóm môn phù hợp năng lực các em nhưng lại ít em đăng ký, chúng tôi cũng không thể biên chế lớp khi chưa đủ sĩ số lớp”.

Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu, sắp xếp lại các đơn vị công lập, các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo cơ sở vật chất dạy và học; rà soát về thực trạng, nhu cầu biên chế phục vụ giảng dạy chương trình mới.

Ông NGUYỄN VĂN QUẢNG, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: “Chúng ta cần có cơ chế linh hoạt hơn, nếu theo phản ánh các trường, có thể lúc này thừa thiếu cục bộ, thì câu chuyện điều chỉnh linh hoạt giữa các trường, các địa phương phải được bàn đến, chúng ta phải xem xét để linh hoạt điều chỉnh”.

Trưởng đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, thành phố phải bảo đảm tính khách quan trong việc lựa chọn SGK, tránh để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm.

Nguyễn Hùng