Đại biểu Lương Văn Hùng: Đề nghị bỏ quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi

Góp ý vào dự án Luật Căn cước, đại biểu cơ bản thống nhất cao với Dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra về dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về tên gọi của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Lương Văn Hùng cho biết, tại Điều 2 dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng là “…người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch;..”, nhưng tại khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật chỉ giải thích từ ngữ đối với Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; đồng thời, trong dự thảo luật không có đề cập, quy định gì đến người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, chỉ quy định đối với Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, làm rõ và quy định lại cho thống nhất nội dung này.  

Cũng tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, nghiên cứu thay thế cụm từ “cơ bản” bằng cụm từ “chính xác” để quy định mang tính chặt chẽ hơn. Do vậy, khoản 1 Điều 3 đề nghị sửa thành: “Căn cước là thông tin chính xác về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người”. 

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 19), tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét bỏ quy định “Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”, vì đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự; trường hợp được cấp thẻ căn cước thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ, nội dung này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và các chi phí thực hiện.

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước quy định tại khoản 1 Điều 30, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước thì quy định này chưa xác định được việc “sinh sống liên tục” là có đăng ký (thường trú, tạm trú) với cơ quan Nhà nước hay không. Trường hợp yêu cầu phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xem xét, bổ sung cho phù hợp; trường hợp không cần phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xác định rõ cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác định việc sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên trong quy định trên là cơ quan nào để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và dễ áp dụng thực hiện.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam