Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù với quỹ đất hai bên đường vành đai

Thảo luận tại hội trường về đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TPHCM, ý kiến các đại biểu cho rằng cần có những cơ chế đặc thù đặc biệt như việc giao Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu, có cơ chế thống nhất toàn tuyến để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Nhấn mạnh các trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh được bố trí theo các hệ đường vành đai và xuyên tâm kết hợp với các trung tâm lõi mạnh là tầm nhìn hiện đại, văn minh của các đô thị trên thế giới, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - cho rằng 2 đường vành đai này đi qua nhiều tỉnh do đó cần thành lập ban chỉ đạo chung để thống nhất cơ chế trên toàn tuyến. 

Ông NGUYỄN TRÚC ANH - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Ở đây có một vấn đề vô cùng quan trọng, tôi nghĩ là yếu tố quan trọng để thành công của dự án, đấy là tất cả các công trình trọng điểm, nhất là các công trình qua nhiều tỉnh. Chúng ta nên có một cơ chế thống nhất về đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến và đặc biệt là phải có một Ban Chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Tôi kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo này và với các vấn đề phát sinh mới thì chỉ cần báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét và ra quyết định thì chúng ta có thể giải quyết. Bởi vì kinh nghiệm sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà các vấn đề có lẽ là thẩm quyền của Quốc hội."

Cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là 2 công trình “để đời cho con cháu” do vậy đại biểu Nguyễn Văn Thân tán thành với việc giao thẩm quyền chỉ định thầu cho thủ tướng đối với các gói thầu liên quan đến tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Ông NGUYỄN VĂN THÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Tôi thiết nghĩ đây là những công trình để đời cho con cháu, nó liên kết giữa các tỉnh, theo ý tôi thì phải giao cho thủ tướng, và nó có những cơ chế đặc thù ví dụ như là tư vấn thiết kế, nếu như thủ tướng cầm trịch vấn đề này thì thủ tướng cũng nên dành một khoản tiển thích đáng, chúng ta không tham rẻ, dứt khoát là chúng ta phải tìm một thiết kế có tiếng trên thế giới để làm. Nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.”

Khẳng định, việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc đa mục tiêu như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc và thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế.

Ông VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, nhưng chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, về chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tôi nghĩ bên cạnh các quyết sách của chúng ta trong việc đưa ra thể chế đặc thù thì cần có những chính sách đặc thù về bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới”

Cùng với đó các ý kiến cũng đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương có dự án đi qua, đồng thời làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn của Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi.
 

Thùy Linh