Đại biểu Quốc hội lo ngại đội vốn 3 dự án cao tốc

Hôm nay 10/6, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Sơ bộ tổng mức đầu tư 3 dự án cao tốc khoảng  84.463 tỷ đồng , trong đó, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng hơn 60.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước bối cảnh giá nhiên liệu trong nước cũng như chi phí đền bù ngày càng tăng, tổng mức đầu tư các dự án thành phần sẽ tăng lên, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Ông NGUYỄN VĂN QUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Tôi lo ngại trong quá trình thực hiện có thể tổng mức đầu tư sẽ vượt, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Do vậy, tôi kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp dự án bị vượt tổng mức đầu tư, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp không vượt tổng mức đầu tư của dự án”.

Ông TRÌNH LAM SINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang:Cần phải có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án. Về vấn đề này tôi đề xuất Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ triển khai dự án”.

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án, Chính phủ cần quan tâm và rà soát kỹ lại các dự án cao tốc để triển khai theo độ trễ của các dự án trước, từ đó có cơ cấu vốn phù hợp, tránh tình trạng thời gian kéo dài mà nguồn vốn chưa có.

Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai:Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các tiêu chí, nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đảm bảo hiệu quả sự phối hợp đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương”.

Một số ý kiến cũng đồng tình với việc Thủ tướng xem xét phân cấp cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Địa phương được phân cấp bố trí đủ phần vốn đã cam kết tham gia đầu tư dự án để bảo đảm tiến độ./.