Đại biểu Quốc hội nêu bất cập trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản bị thanh tra

Chiều nay 13/6, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn TP Hồ Chí Minh cho ý kiến về một số bất cập liên quan tới việc ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra.

Liên quan đến các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra, tôi nhận thấy tờ trình của Chính phủ đã đề cập đến một bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua đó là việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục, kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của dự thảo luật cho thấy giải pháp cho bất cập nêu trên chưa được chú trọng. Cụ thể là:

Thứ nhất, theo quy định của dự thảo luật, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật và có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản, Trưởng đoàn thanh tra chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra (Điều 79). Mặc dù dự thảo luật có quy định về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép nhưng biện pháp này không được áp dụng trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, mặc dù khoản 3 Điều 66 dự thảo luật có quy định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, tuy nhiên lại chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan.

Thứ hai, theo quy định của Điều 80 dự thảo luật việc ra quyết định thu hồi tiền, tài sản thuộc thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra và được căn cứ vào kết luận tiền tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có cơ chế để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quyết định thu hồi.

Thứ ba, theo quy định của dự thảo luật thì việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép chỉ được thực hiện đối với tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và phát hiện có dấu hiệu của việc chuyển dịch tài sản nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng các biện pháp nêu trên.