Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội

Nợ xấu đang là điểm nghẽn cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 của Quốc hội sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8 tới đây. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, QH khóa 15, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 để xử lý triệt để nợ xấu – vốn được coi là cục máu đông của nền kinh tế.

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: "Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42, chúng ta có 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cho vay luôn đi kèm với rủi ro tín dụng. Khi rủi ro tín dụng tăng cao thì nó đe doạ đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng. Cho nên chúng ta cần tạo điều kiện hệ thống luật pháp để bảo vệ nguyền lợi của người cho vay và người đi vay, tạo sự lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian tới chúng ta cần tạo ra những thể chế để phát triển thị trường mua bán nợ. Thị trường mua bán nợ không chỉ giúp trong hệ thống ngân hàng mà mua bán nợ trên thị trường tài chính, bất động sản cũng rất cần. Chúng ta nên sớm cụ thể hoá nó bằng những nghị định, hướng dẫn để thị trường mua bán nợ được triển khai sớm hơn. Ngân hàng cần phải triển khai thực hiện hiệp ước Basel II, nâng cao tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro. Đồng thời phải uốn dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tránh vào những lĩnh vực nhạy cảm nhiều rủi ro. Tăng cường công tác thanh kiểm tra để phòng ngừa rủi ro tín dụng; đồng thời thường xuyên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ ngân hàng, đặc biệt là cán bộ tín dụng cũng như trau dồi nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động cho vay của cán bộ ngân hàng. Có như vậy mới có thể hạn chế rủi ro tín dụng."

Thùy Trang