Đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Bảo hiểm xã hội (BHXH) về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở nước ta từ trước đến nay luôn được xác định là 1 trong các chế độ thuộc hệ thống BHXH, với mục đích bảo đảm cho người lao động trong quá trình tham gia lao động bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được điều trị ổn định để phục hồi chức năng và khả năng lao động, được bố trí công việc phù hợp, được bù đắp về vật chất và tinh thần để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình khi bị mất hoàn toàn, hoặc một phần khả năng lao động.

Chị Lê Thị Hương, công nhân Công ty kính Ức Thịnh Việt Nam tại Quảng Nam là một trong những trường hợp được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định. Năm 2021, trên đường đi làm về, chị không may bị tai nạn và giám định bị thương tật 30%. Qua quá trình BHXH tỉnh Quảng Nam thẩm tra, xác minh, chị Hương đã được công ty thực hiện đầy đủ chế độ BHXH cho chị nên khi chị bị tai nạn đã được BHXH tỉnh Quảng Nam chi trả đầy đủ chế độ theo quy định.

Còn tại Trường Đại học Nông Lâm Huế, ông Võ Đức Nghĩa - giảng viên Khoa Thủy sản của trường cũng đang trong quá trình chờ được hưởng chế độ bảo hiểm đối với người bị tai nạn lao động. Trong quá trình đi làm, ông Nghĩa không may ngã xe, bị gãy chân. Ngay khi vụ tai nạn xảy ra, Công đoàn, Phòng Tổ chức hành chính của trường phồi hợp với BHXH tỉnh để làm hồ sơ theo đúng quy định. Với ông Nghĩa, nhờ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động mà ông có thể vơi bớt khó khăn do tai nạn xảy đến.

Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và một lần cho trên 8.100 người lao động trong năm 2022 và gần 1.700 người lao động trong 3 tháng đầu năm 2023.

Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.

Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ. Thế nhưng, về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất vẫn là xây dựng một môi trường lao động an toàn, thân thiện với người lao động, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro ngay từ khi mới bắt đầu. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Nga -

Anh Khoa -

Tiểu Bảo