Đấu giá tần số hướng tới thương mại hoá 5G

Vừa qua, đã có 2 doanh nghiệp viễn thông tham gia đấu giá tần số thành công cho mạng di động 5G. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua, cũng là một trong những bước đi quan trọng để Việt Nam sẽ sớm triển khai mạng 5G.

Viettel và VNPT là 2 trong số các nhà mạng đấu giá thành công khối băng tần B1 và C2 với tổng giá trị lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Đáng nói là việc cho phép đấu giá đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Tuy nhiên, phải chờ đến khi Luật Viễn thông năm 2023 được thông qua thì quy trình đấu giá mới được hoàn thiện đầy đủ pháp lý.

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian thí điểm 5G cách đây 4 năm, chi phí đầu tư rất cao, nếu triển khai cũng chỉ đảm bảo khoảng 30% phủ sóng tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá thiết bị đã giảm tới 70% nên việc phủ sóng 5G toàn quốc là hoàn toàn khả thi. 

Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng là năm phổ cập hạ tầng số với dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, xanh và bền vững, thông minh và an toàn. Cùng với sự ra đời của Luật Viễn Thông, năm 2024 là thời điểm "chín muồi" để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G, thúc đẩy Chuyển đổi số Quốc gia, phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!


Tuấn Anh -

Sỹ Cường