Đề xuất tăng 2 tuổi đối với sỹ quan, hạ sỹ quan công an nhân dân

Chiều 14/3, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gồm 3 chính sách, trong đó: Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân Công an.

Cụ thể: Bổ sung quy định và tăng tuổi phục vụ cao nhất của công nhân Công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sỹ quan, hạ sỹ quan; riêng nữ sỹ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sỹ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sỹ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành. Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Bổ sung quy định 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố Hà Nội, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Thường trực Ủy ban QP&AN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ Luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cho rằng, đến nay đã đủ điều kiện chín muồi để báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình 01 kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đồng tình với quan điểm cần thiết sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật CAND nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng trên cơ sở chính trị, pháp lý và cần thiết từ thực tiễn. Đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo lưu ý 3 nhóm vấn đề gồm: Hồ sơ dự án Luật; Báo cáo đánh giá tác động và nhóm văn bản dưới luật; Rà soát các quy định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, sức sống của luật dài hơi. 

Sỹ Cường