Di sản khảo cổ: Cần cơ chế mới để hết "cảnh đìu hiu"

Một trong những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hôm 17/4 là dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Di sản văn hóa quy định tại luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta.

Trong thời gian qua,  nhiều khu di sản khảo cổ học có quy mô lớn ở nước ta đã và đang được được phát hiện, khai quật, nghiên cứu, trong đó, có những di sản có giá trị lịch sử - văn hóa cao, mang tầm thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện sau nghiên cứu, khai quật lại đang bộc lộ rất nhiều bất cập, tình trạng đìu hiu ở những điểm đã được công nhận là di sản khảo cổ cấp quốc gia thường xuyên xảy ra. 

Khu vực này trước đây là đền Trần (hay đền Thái Lăng, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), nay đã được xác định là một phần của hành cung Lỗ Giang - một trong những công trình cung điện ngoài kinh thành có qui mô lớn thuộc thời Trần (thế kỷ 13-14).

Sau 3 cuộc khai quật khảo cổ kể từ năm 2014, những dấu tích về nền móng cùng các hiện vật trang trí đã giúp các nhà khoa học tái hiện được hình thái kiến trúc của hành cung Lỗ Giang và khẳng định tầm quan trọng của địa điểm này trong nghiên cứu lịch sử thời Trần. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư 1 số vốn không nhỏ từ nguồn ngân sách tỉnh để chỉnh trang, qui hoạch lại, nhưng điểm di tích cấp quốc gia này gần như không có mấy khách du lịch ghé qua.

Tương tự, hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình - nơi lưu giữ nhiều bằng chứng của nền văn hoá Hoà Bình - cũng được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 2000. Thế nhưng, bao năm trôi qua, lượng khách du lịch đến đây vô cùng ít ỏi, có chăng chỉ là những đoàn khách theo chương trình nghiên cứu.

Câu chuyện phát huy giá trị khảo cổ sau khai quật vẫn còn là điều khiến nhiều nhà khoa học trăn trở.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 17/4, một lần nữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc phát huy giá trị di sản văn hoá cần phải gắn với phát triển du lịch. Mà muốn làm được việc đó thì Luật Di sản văn hoá sửa đổi cần phải được điều chỉnh tương thích với một số luật hiện hành như Luật Đầu tư để nhằm tối đa hoá nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chỉ khi có một chiến lược đầu tư hợp lý, những khu di sản khảo cổ như thế này mới có thể hết "cảnh đìu hiu".

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư -

Văn Thắng