• 1056 lượt xem
  • 05:57 19/06/2023
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 62|: Cần ứng xử với nông thôn như với một miền di sản

Nông thôn nước nhà vốn là nơi hình thành những giá trị căn bản, truyền thống, từ đó tạo nên cốt cách, tâm hồn của người dân nước Việt tự bao đời. Nông thôn không chỉ là nơi sinh sống, lao động, học tập, vui chơi, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc, giúp con người tạo dựng cuộc sống đơn giản, đầm ấm bên nhau, trên tinh thần hài hoà với thiên nhiên trong lành, thanh sạch.

Môi trường nông thôn chính là không gian văn hoá vừa đa dạng vừa rộng lớn, bao hàm những giá trị vật thể và phi vật thể, được kết nối cùng nhau thành không gian tâm thức rộng dài. Tuy vậy, giờ đây, môi trường nông thôn đã có nhiều biến đổi, làm mai một dần đi những yếu tố căn cốt cần gìn giữ. 

Trong không khí lễ hội tưng bừng tại một thành phố lớn, ngay ở vị trí trung tâm hoành tráng là không gian tái hiện hình ảnh mộc mạc đặc trưng của đời sống thôn quê. Những gì mà trước đây từng hiện hữu vô cùng nhiều ở khắp mọi nơi, thì nay gần như chỉ còn trong trí nhớ. Vì thế, người ta mới hay nặng lòng hoài niệm. Và vì thế mới phải cất công phục dựng, thông qua nhiều hình thức như phim ảnh, sân khấu, nhạc - họa, thi ca...Để có thể tái hiện những giây phút sống động, long lanh trên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên ở thành thị cũng cần có vốn hiểu biết về văn hóa làng quê.

Trước đây, bây giờ và cả mai sau, nông thôn Việt Nam luôn là một miền di sản. Nơi đó chính là môi trường gốc của mọi thuần phong mỹ tục, nơi kết nối tình cảm con người trong tình thân ái chan hòa. Dù là ngày lễ, ngày hội, hay đơn giản là hoạt động vui chơi, tái hiện những niềm vui quen thuộc trong lao động, tất cả đều hướng cho người làng biết trân quý những giá trị truyền thống của quê hương.

Trong môi trường văn hóa làng quê, thì người làng chính là chủ thể. Do đó, xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn là vun đắp đời sống tinh thần, bởi nông thôn chính là nơi cân bằng cảm xúc. Khi thực sự hiểu về nét đẹp văn hoá của địa phương, mỗi người dân sẽ càng tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, tập quán, lễ hội hay di sản... Trong những ngày hội vui nhất của làng, có nhiều người sinh sống rất xa quê cũng trở về tham gia, như trở về nguồn cội. Đó không chỉ là hành trình trở về với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là trở về với một miền di sản thân thương.

Những tưởng rằng khi xã hội phát triển, các phương tiện công nghệ đã về đến tận thôn làng, thì thanh thiếu niên không còn mặn mà với những nét sinh hoạt tinh thần truyền thống. Nhưng thực tế đã cho câu trả lời ngược lại: Bên cạnh những người trưởng thành và lớn tuổi, thì giới trẻ vẫn dành một góc riêng trong lòng mình để yêu mến, trân trọng những di sản tinh thần dung dị của quê hương. Chính trong những giờ phút được hòa mình vào nhịp sống thôn quê, cái tâm của mỗi người được lắng lại một phần, trước khi trở lại nhịp sống, nhịp công việc hối hả như thường nhật. Cuộc sống làng quê có những điều xen giữa cái động và cái tĩnh, giữa rộn ràng, sôi nổi với trầm tư, giữa trẻ trung và thâm trầm, sâu lắng... Đẹp là vậy, ý nghĩa là vậy, nhưng nếu không chung tay bảo tồn, gìn giữ, thì đến một ngày, những di sản ấy - dù rất đơn sơ - rồi cũng sẽ không còn.

 

 

Thiện Đoan