Điểm báo 1/5: Hàng không “trả giá” vì vé máy bay nội địa tăng cao

Tiêu thụ điện phá vỡ mọi kỷ lục: Huy động toàn bộ các nhà máy điện than; Hàng không “trả giá” vì vé máy bay nội địa tăng cao; "Phòng" hơn "chống" trước các cuộc tấn công trên không gian mạng; Đào tạo nhân lực sư phạm: Tìm giải pháp tổng thể... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 1/5.

TIÊU THỤ ĐIỆN PHÁ VỠ MỌI KỶ LỤC: HUY ĐỘNG TOÀN BỘ CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN THAN

Do nắng nóng, tiêu thụ điện tuần qua lập nhiều kỷ lục mới, sản lượng tiêu thụ điện có ngày gần chạm mốc 1 tỉ kWh. Thông tin đáng chú ý trên báo Lao động.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tuần trước tiêu thụ điện trung bình mỗi ngày đạt sản lượng gần 947 triệu kWh, cao hơn tuần trước đó khoảng 65,4 triệu kWh. Riêng miền Bắc tăng hơn 31,7 triệu kWh mỗi ngày. Nguyên nhân là ảnh hưởng của đợt nắng nóng đang diễn ra tại 3 miền, đặc biệt tại miền Bắc. Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%.   Cơ quan điều tiết đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện, đồng thời huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. 

HÀNG KHÔNG “TRẢ GIÁ” VÌ VÉ MÁY BAY NỘI ĐỊA TĂNG CAO

Dịp Lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng khách đi, đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều giảm. Đây là điều ít thấy trong các dịp lễ.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị, việc hàng không ít khách, dư vé một số chặng đã cho thấy, đường bộ chiếm dần ưu thế nhờ sự tiện lợi, tính chủ động. Còn đường sắt, các trải nghiệm mới đã trở thành điểm nhấn thu hút khách hàng. Trong khi đó, hàng không bao năm vẫn thế, giá vé vẫn cao mỗi dịp lễ tết, câu chuyện delay cũng khó tránh khỏi khiến không ít hành khách chán nản. Sân bay vắng khách là điều rất hiếm thấy ở các kì nghỉ 30/4 - 1/5 các năm trước (trừ những năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19). Thực tế này cho thấy, nếu không có sự cải thiện về phương án bán vé sớm, sự “trả giá” của ngành hàng không có thể sẽ còn kéo dài đến dịp cao điểm hè sắp tới cùng với đó là sự sụt giảm của du lịch nội địa.    

"PHÒNG" HƠN "CHỐNG" TRƯỚC CÁC CUỘC TẤN CÔNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Gần đây, hàng loạt vụ tấn công mã hoá dữ liệu nghiêm trọng đã xảy ra. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng tinh vi, đặc biệt có sự tham gia của các nhóm tội phạm quốc tế và có xu hướng gia tăng thời gian qua. Trên báo điện tử VOV có bài viết về nội dung này.

Bài viết trích dẫn ý kiến ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị trên quan điểm "phòng" hơn "chống". Theo một số khuyến cáo trong một dự án công nghệ thông tin, nên dành khoảng 10% giá trị dự án để đầu tư cho các giải pháp liên quan đến an toàn bảo mật, đầu tư cho con nguời vận hành về an toàn bảo mật và đầu tư cho quy trình để bảo đảm các hoạt động đó. Với sự phát triển của công nghệ thì một hệ thống có thể miễn nhiễm trước các cuộc tấn công mạng là rất khó. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng hệ thống bảo vệ thì công tác giám sát và phản ứng sớm cũng là điều phải quan tâm.   

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC SƯ PHẠM: TÌM GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

Để gỡ khó cho ngành sư phạm trong đào tạo nguồn nhân lực rất cần những giải pháp tổng thể từ khâu tuyển sinh đến đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tuyển dụng. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, khâu đào tạo vẫn tách bạch khỏi tuyển dụng. Hai công đoạn này gần như độc lập với nhau. Theo một số chuyên gia, Cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những giáo viên được đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Sau khi học xong, giáo sinh cần được phân công, bố trí công việc theo chuyên môn đào tạo.  Về phía trường sư phạm cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và thực tiễn. Chẳng hạn, đến năm thứ 2 sinh viên có thể chuyển sang học các chuyên ngành khác nếu thấy ngành đang học dư thừa giáo viên, trong khi ngành học khác thiếu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam