Điểm báo 10/7: Giao thông an toàn với biển báo thông minh

Giao thông an toàn với biển báo thông minh; Chặn sách lậu, sách giả; Xử lý “cò” xếp lốt khám chữa bệnh; Ngân hàng 'lúng túng' với quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân... là những tin có trong điểm báo sáng nay 10/7.

GIAO THÔNG AN TOÀN VỚI BIỂN BÁO THÔNG MINH

 Mới đây Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất nhân rộng việc lắp đặt biển báo giao thông thông minh. Nhiều chuyên gia cho rằng, biển báo giao thông thông minh sẽ tạo ra mối liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện trên đường, từ đó hình thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ tối ưu cho việc lưu thông.

 Đến nay nhiều tuyến phố trong nội đô thành phố Hà Nội đã được lắp đặt các biển báo thông mình như nút giao Ngã Tư Sở, cầu vượt Thái Hà…. để cảnh báo trước đến người lái xe về tình trạng giao thông để người lái xe có thể lựa chọn được tuyến đi cho phù hợp nhằm giảm áp lực giao thông cho nút giao, góp phần bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo chuyên gia giao thông, Mô hình biển báo thông minh rất đáng để nhân rộng ở Hà Nội và các TP lớn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc lắp đặt biển báo thông minh cũng cần lưu ý việc lựa chọn tuyến đường tránh lãng phí và không phát huy được hết tác dụng. Đơn vị quản lý cũng cần lắp đặt biển báo to, hiệu ứng chạy đặc biệt hơn để lái xe có thể dễ dàng nhận biết từ xa.

CHẶN SÁCH LẬU, SÁCH GIẢ

Mặc dù đã có nhiều phương án trong việc ngăn chặn tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, tuy nhiên vấn nạn này vẫn gia tăng trong suốt thời gian dài.

Nguyên nhân một phần từ việc độc giả chưa phân biệt được sự khác nhau giữa sách giả - sách thật. Cùng với đó, công nghệ số phát triển đã thay đổi thói quen mua sách của nhiều người đó là sử dụng hình thức mua sách online qua page, sàn thương mại điện tử có giá rẻ... đây cũng là nguyên nhân tạo cho sách in lậu có cơ hội tồn tại và làm lũng đoạn thị trường. 

Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực in ấn và phân phối xuất bản phẩm trái phép/không phép dựa trên những quy định pháp luật hiện hành; thành lập đường dây nóng xử lý sách lậu công bố trên mọi nền tảng để khi các cá nhân, đơn vị có thông tin về sách lậu có thể liên lạc thẳng với cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống in lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

XỬ LÝ “CÒ” XẾP LỐT KHÁM CHỮA BỆNH

Người dân xếp hàng từ 2 - 3 giờ sáng, có những bệnh nhân phải đến trước 3 tiếng chờ đến giờ phát số nhưng số thứ tự nhận được vẫn tận mấy trăm. Đây là tình trạng đang diễn ra ở một số bệnh viện tại Hà Nội.  Sở dĩ có tình trạng này là do có nhiều “cò mồi” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện, lấy số để bán cho người khám bệnh có nhu cầu được khám sớm.

Cụ thể, bài viết cho biết, Với mức giá tiền công đi khám từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng trường hợp (tùy theo mục đăng ký khám) với người bệnh hoặc người nhà người bệnh nhân, đối tượng yêu cầu gửi trước thông tin cá nhân của người cần khám bệnh qua Zalo. Sau đó, các “cò” còn lại sẽ đến xếp hàng đăng ký khám bệnh. Khi đến lượt, nhân viên bệnh viện đọc tên thì “cò” lấy số và dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân đi khám, xét nghiệm... Trao đổi về vấn đề này, đại diện một số bệnh viện cho biết  để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần phải có chỉ đạo bằng văn bản, quán triệt, kiểm tra đột xuất, tăng cường công tác kiểm tra.

NGÂN HÀNG 'LÚNG TÚNG' VỚI QUY ĐỊNH BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Từ 1.7.2023, Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, hiện các ngân hàng vẫn đang “lúng túng” không biết phải triển khai như thế nào.

 Để bảo đảm đáp ứng quy định của Nghị định 13, các tổ chức tín dụng phải chỉnh sửa hệ thống công nghệ thông tin, các quy định nội bộ, các mẫu biểu hợp đồng, văn bản, thỏa thuận để bảo đảm các nội dung về bảo vệ DLCN của khách hàng. Tuy nhiên, một số điều khoản trong Nghị định 13 đang được diễn đạt khá chung chung và mang tính định tính. Hơn nữa, thời gian ban hành Nghị định và thời gian có hiệu lực quá ngắn nên gây khó khăn cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc rà soát và điều chỉnh. Ngoài ra, một số quy định chưa phù hợp với lĩnh vực ngân hàng cần thống nhất cách hiểu và áp dụng, như: Về các chủ thể tham gia vào quy trình xử lý DLCN của khách hàng; chuyển giao quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng/thỏa thuận…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam