Điểm báo 13/10: Giảng viên du học rồi… mất hút!

Nguy cơ thiếu điện trong dài hạn; Sẽ không còn TikToker U13; Tín dụng xanh: Thừa vốn nhưng thiếu cơ chế; Giảng viên du học rồi… mất hút!;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 13/10.

NGUY CƠ THIẾU ĐIỆN TRONG DÀI HẠN

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng 2016-2021. Báo cáo chỉ ra, ngành năng lượng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, nhiều dự án nguồn điện lớn chậm hoặc dừng, nên khả năng thiếu điện tới 2050 là hiện hữu. Bài viết trên báo điện tử VOV.   

Nguy cơ thiếu điện, theo đoàn giám sát, còn có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050. Trong khi đó, theo các chuyên gia, miền Bắc có nguy cơ tiếp tục thiếu điện khi hai năm tới chưa có nguồn mới nào được bổ sung, vận hành. Đoàn giám sát cũng chỉ ra chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm minh bạch. Giá điện được điều chỉnh, nhưng chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp.     

 SẼ KHÔNG CÒN TIKTOKER U13 

Dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên, nhưng TikTok vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản. Như vậy, mạng xã hội này đã vi phạm các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Báo Tuổi trẻ và nhiều tờ báo khác có bài viết về vấn đề này. 

Sau khi công bố 7 vi phạm của Tiktok liên quan dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em, đoàn kiểm tra của Việt Nam đã kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu Tiktok triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em. Theo Báo Tuổi trẻ, Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Làm sạch thông tin trên không gian mạng chính là trả lại bầu khí quyển trong lành cho đời thực, nhất là cho thế hệ sẽ gánh vác tương lai đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện riêng trên TikTok mà còn ở các mạng xã hội khác. Vấn đề đặt ra không chỉ ở phía nhà quản lý, các mạng xã hội mà quan trọng còn là ở gia đình.       

TÍN DỤNG XANH: THỪA VỐN NHƯNG THIẾU CƠ CHẾ

Không thể phủ nhận dòng vốn xanh sẽ mang lại lợi ích môi trường. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này, Báo Đại đoàn kết có bài viết: “Tín dụng xanh: Thừa vốn nhưng thiếu cơ chế.” 

Hành lang pháp lý đang là trở ngại trong việc tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nếu có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh. Theo Đại đoàn kết, dòng vốn xanh sẽ mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tuy nhiên đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn vì thế cần được ưu đãi. mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song, Sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa được khai thác hết tiềm năng.      

GIẢNG VIÊN DU HỌC RỒI… MẤT HÚT!

Báo Giáo dục và thời đại mới đây có bài viết “Giảng viên du học rồi...mất hút”. Theo đó, báo Giáo dục và thời đại đề cập, một số giảng viên đại học tham gia các đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước hoặc chương trình liên kết rồi không trở về. 

Ở lại nước ngoài hay trở về nước phục vụ là lựa chọn của học viên. Nhưng một số ý kiến cho rằng, nếu chấp nhận ở lại thì cá nhân tham gia đề án đào tạo buộc phải bồi hoàn kinh phí bởi đây là nguồn tiền ngân sách, và cũng để thế hệ sau có cơ hội đi học. Ngoài ra, “cần công khai tên tuổi, trường học ở nước ngoài của học viên trên website cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT… để mang tính chất răn đe. Nếu học viên vi phạm cam kết, tự ý cắt đứt mọi liên lạc, gia đình phải đứng ra chịu trách nhiệm cho khoản vay này. Biện pháp này buộc họ phải giữ uy tín. Trường hợp cố tình ở lại thì chấp nhận tên tuổi gắn với danh sách đó.     

Truyền hình Quốc hội Việt Nam