Điểm báo 16/12: Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm?

Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm?; “Cởi trói” cho quảng cáo; Đôi bờ sông không chỉ là bất động sản; Dự án phúc lợi xã hội trông đợi PPP;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 16/12.

VÌ SAO LÃI SUẤT HUY ĐỘNG XUỐNG THẤP KỶ LỤC 2,7%/NĂM? 

Mới đây, lần đầu tiên cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng về dưới 3%/năm. Báo Dân trí có bài viết về vấn đề này.

Theo Dân trí, các chuyên gia cho rằng lãi suất giảm kỷ lục phản ánh các ngân hàng vẫn đang "thừa tiền", khó cho vay. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa có nhiều đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, lãi suất giảm sâu còn nằm ở việc thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Dòng vốn của người dân cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang "kẹt" trong bất động sản.    

“CỞI TRÓI” CHO QUẢNG CÁO 

Bài báo tiếp theo đây có đề cập: Khu vực quanh Hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội và các quảng trường… thay vì cấm quảng cáo, thì sẽ đưa vào danh mục được phép quảng cáo trong điều kiện hạn chế. Đó là nội dung của dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đang được lấy ý kiến và chờ ban hành. Báo Kinh tế và Đô thị có bài viết “Cởi trói cho quảng cáo”.  

Người đồng tình thì cho rằng, sự thay đổi này mang tính tiệm cận với tư duy quảng cáo mới trên thế giới. Mặt khác, nhiều người lại cho rằng, Hà Nội vẫn cần nói không với quảng cáo ở một số nơi để xây dựng nét văn minh riêng biệt trong khu vực trung tâm. Báo Kinh tế và đô thị đề cập, tại Hà Nội, hoạt động quảng cáo tăng trưởng chậm, đem lại lợi ích kinh tế kém hơn so với một số địa phương khác. Cũng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh đối với lĩnh vực quảng cáo, như: Luật Quảng cáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

ĐÔI BỜ SÔNG KHÔNG CHỈ LÀ BẤT ĐỘNG SẢN 

Hai năm qua TP.HCM đang đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng nhiều đề án liên quan việc phát triển những tiềm năng của thành phố sông nước. Về vấn đề này, báo Tuổi trẻ có bài viết “Đôi bờ sông không chỉ là bất động sản.” 

Theo Tuổi trẻ, nếu chúng ta nhìn rộng và xa hơn về các lợi ích của cộng đồng, việc xây dựng một không gian hiện đại gắn liền nét đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa của dòng sông, vì đôi bờ các dòng sông không chỉ là bất động sản mà quan trọng hơn, chính là nguồn vốn văn hóa - xã hội lâu dài, bền vững.  Sự kỳ vọng vào tuyến đường ven sông không chỉ là giải quyết vấn đề giao thông mà quan trọng hơn là sự kết nối các trung tâm lịch sử - văn hóa độc đáo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.     

DỰ ÁN PHÚC LỢI XÃ HỘI TRÔNG ĐỢI PPP 

Áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, hơn 40 dự án lĩnh vực văn hóa- thể thao, giáo dục, y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã được địa phương kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút nhà đầu tư rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án phúc lợi xã hội vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.    

Mặc dù đây là lần đầu tiên các dự án thuộc các lĩnh vực này được kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức PPP, nhưng quy mô tổng vốn đầu tư của nhiều dự án ở mức khá lớn. Theo Thời báo Ngân hàng, Cơ hội để TP. Hồ Chí Minh thu hút đầu tư vào các dự án nghìn tỷ thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục, y tế là không lớn. Vì khả năng thu hồi vốn chậm, trong khi đó các lĩnh vực này có sự tham gia quản lý giá của Bộ Tài chính, vì thế các nhà đầu tư rất lo ngại. Đồng thời, các dự án lĩnh vực này mang tính chất phúc lợi xã hội, nhà đầu tư khó có thể trông chờ vào lợi nhuận nếu chỉ có nguồn thu từ bán vé. Cả khi tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được nâng từ 50% lên 70% thì vẫn kém hấp dẫn hơn các dự án hạ tầng.    

Thùy Trang