Điểm báo 17/11: Bảo đảm quyền lợi của người lao động dịp cuối năm

Giao thông xanh hướng đi phù hợp cho Hà Nội; Bảo đảm quyền lợi của người lao động dịp cuối năm; Hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ người tiêu dùng; Tìm giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 17/11.

GIAO THÔNG XANH HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP CHO HÀ NỘI 

Không chỉ Hà Nội, vấn nạn ùn tắc, quá tải hệ thống giao thông là vấn đề chung của mọi đô thị trên thế giới, kể cả những nơi có hạ tầng phát triển. Do đó, bên cạnh giải pháp về quy hoạch, xây dựng hạ tầng, Hà Nội cần tập trung phát triển giao thông xanh, thông minh. Thông tin đáng chú ý trên báo kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm để giảm ùn tắc giao thông và xe cơ giới cá nhân. Điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống giao thông. Đây là hình thức đi tắt hiệu quả trong quản lý, phát triển giao thông, giúp tối ưu hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình trạng thiếu hụt trong cơ cấu và loại hình phương tiện.  Đồng thời việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ giúp quản lý ý thức của người tham gia giao thông, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn giao thông công cộng; giúp bù đắp phần thiếu hụt trong các trụ cột để phát triển giao thông đô thị bền vững.    

BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DỊP CUỐI NĂM 

Lương, thưởng Tết và các chế độ phúc lợi là vấn đề được quan tâm dịp cuối năm bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Nhất là thời điểm này, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn về đơn hàng nên cần có giải pháp, phương án hợp lý để hài hòa lợi ích đôi bên nhằm mục tiêu xây dựng quan hệ lao động ổn định. Thông tin bài viết trên báo Giáo dục ngày nay.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm ổn định tình hình, việc làm đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động, sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm.  Kết hợp chặt chẽ với các địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, tổ chức công đoàn cùng đoàn thể khác theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; rà soát đơn đặt hàng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

HÀNH LANG PHÁP LÝ QUAN TRỌNG BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG 

Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hầu như quyền lợi của người tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa được chú ý một cách thích đáng.

Hiện nay trừ một số loại hàng hóa đặc biệt như ô tô, xe máy và một vài sản phẩm hàng hóa điện tử viễn thông được doanh nghiệp bán hàng quan tâm thực hiện, phần còn lại hầu như đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, bởi hiện nay loại hàng hóa nào phải bắt buộc bảo hành vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, để có sức mạnh, đủ lực để khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất thì có điều kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.    

TÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KINH DOANH THỰC PHẨM AN TOÀN 

Hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

Nguyên nhân khách quan là do các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp mục đích tối đa lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, cần đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam