Điểm báo 19/2: Nóng bỏng cuộc đua vào lớp 10

Nóng bỏng cuộc đua vào lớp 10; Nông sản lại tiếp diễn điệp khúc “được mùa rớt giá”; Ý kiến trái chiều về việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu; Dịch vụ karaoke “mòn mỏi” mong ngày trở lại;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 19/2.

NÓNG BỎNG CUỘC ĐUA VÀO LỚP 10 (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Hà Nội lấy phiếu khảo sát ý kiến giáo viên về phương án thi 3 hay 4 môn vào lớp 10 THPT. Hàng loạt trường top, các trường THPT chuyên thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cùng lịch thi thử... Những thông tin này càng khiến thí sinh và phụ huynh thêm nóng lòng, sốt ruột, mong muốn sớm có phương án thi vào 10 để ổn định tâm lý ôn tập. Bài viết đăng tải trên báo Đại đoàn kết sổ ra cuối tuần.

Trên một số diễn đàn, những phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã Đề xuất phương án chỉ thi 3 môn như nhiều tỉnh, thành phố khác. Lý do là để giảm áp lực cho một kỳ thi vốn được coi là căng thẳng hơn thi tốt nghiệp THPT bởi mỗi năm, Hà Nội chỉ dành khoảng 60% suất học trường công. Đến nay nhiều trường công và ngoài công lập tại Hà Nội đã bắt đầu thông báo lịch thi thử cũng như phương thức thi thử, thậm chí bán hồ sơ để phụ huynh đặt cọc, giữ chỗ. Với kỳ vọng của gia đình, nhà trường, mong muốn của bản thân... thì cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội chưa khi nào hạ nhiệt dù ai cũng biết, nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác, như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề. Nội dung này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở phần tiếp theo của chương trình.

NÔNG SẢN LẠI TIẾP DIỄN ĐIỆP KHÚC “ĐƯỢC MÙA RỚT GIÁ” (THỜI BÁO TÀI CHÍNH VIỆT NAM)

Qua khảo sát thị trường thời điểm trung tuần tháng 2/2023 cho thấy, nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm tại các thành phố lớn trên cả nước dồi dào, giá cả thực phẩm, rau xanh có nhích tăng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản tiếp diễn điệp khúc "được mùa rớt giá", cần có giải pháp “giải cứu” tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, Hiện nay do nhiều địa phương bắt đầu vào vụ thu hoạch nông sản, nhưng điệp khúc "được mùa rớt giá" của nhiều loại trái cây, rau, củ, quả khiến nông dân điêu đứng, mong chờ sự giải cứu từ phía người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Cụ thể, tại Hà Nội, giá cả lương thực, thực phẩm trên thị trường có mức tăng không mạnh như những dịp sau tết của các năm trước, nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào và sức tiêu dùng của người dân không cao. Tuy nhiên, với mức tăng giá này cũng ảnh hưởng đến túi tiền của người dân. Còn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện giá nhiều loại củ, quả rớt giá đến 60 - 70% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023. Với mức giá này, nhà vườn không chỉ lỗ công mà lỗ cả vốn. Lo lắng của nhà vườn càng chất chồng khi nhiều vựa tuyên bố không tiêu thụ hàng nữa do không có đầu ra. 

Ý KIẾN TRÁI CHIỀU VỀ VIỆC BỎ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU (PHÁP LUẬT VIỆT NAM)

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi về quản lý kinh doanh xăng dầu (XD), Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Do Quỹ BOG là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá XD trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ Quỹ BOG sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá XD”. Tuy nhiên, trong các phương án mà Bộ này đưa ra lấy ý kiến vẫn có phương án bỏ Quỹ BOG.

Bộ Công Thương cho rằng, Ưu điểm của phương án này là tạo sự linh hoạt hoàn toàn cho doanh nghiệp, giá bán xăng dầu phù hợp với các chi phí phát sinh của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh và cung cấp xăng dầu ổn định hơn cho thị trường. Nhưng có nhược điểm là Nhà nước không có công cụ để can thiệp và điều tiết để điều hành kinh tế vĩ mô chung. Đặc biệt khi giá xăng dầu tăng cao hoặc vào những giai đoạn nhạy cảm như lễ, Tết, thị trường có nhiều biến động và làm giá của các mặt hàng khác nhau tăng theo và khi giá 

xăng dầu

giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm theo tương ứng. Theo các chuyên gia, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch, công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. 

DỊCH VỤ KARAOKE “MÒN MỎI” MONG NGÀY TRỞ LẠI (BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

Đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều tháng trời không thể hoạt động, nhiều chủ đầu tư quán karaoke rơi vào tình trạng kiệt quệ. Họ mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp để dịch vụ karaoke được mở cửa trở lại.

Mới đây, hàng trăm chủ đầu tư cơ sở karaoke tại Hà Nội đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi TP Hà Nội và Trung ương khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động kinh doanh do liên quan đến công tác PCCC. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ. Trong số này, có hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh... Những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể. Bên cạnh đó, có 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về PCCC, an ninh trật tự, văn hoá... phải củng cố, hoàn thiện. Tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất với UBND TP Hà Nội để thành phố kiến nghị với Bộ Công an, Bộ VH,TT&DL, Bộ Xây dựng để tháo gỡ. Lãnh đạo Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động, chủ doanh nghiệp phải cam kết hoạt động đúng giờ, đảm bảo điều kiện PCCC... 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam