Điểm báo 25/3: Từ chơi khăm nhẹ đến…. đùa “bẩn”

Gia tăng mối lo thực phẩm nhập ngoại; Cẩn trọng trước trào lưu nắn xương, bẻ khớp; Từ chơi khăm nhẹ đến…. đùa “bẩn”; Hà Nội: Đèn tín hiệu cho người đi bộ như vô hình;...là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 25/3.

GIA TĂNG MỐI LO THỰC PHẨM NHẬP NGOẠI

Trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị sáng nay, Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi lép vế, doanh nghiệp trong nước canh cánh nỗi lo.

Hiện nay phần lớn các sản phẩm như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại... được nhập khẩu vào Việt Nam. Chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trong nước cùng loại khi nhập về. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu ồ ạt còn gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, công nhân... đang là đối tượng sử dụng phần lớn các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu này. Đồng thời, làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia. Do đó, Nhà nước cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại, trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam.

CẨN TRỌNG TRƯỚC TRÀO LƯU NẮN XƯƠNG, BẺ KHỚP (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Còn trên báo Đại đoàn kết đăng tải, thời gian gần đây, trào lưu bẻ xương khớp trị bệnh cột sống, cổ vai gáy được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đáng lo ngại hơn, kể từ khi có trào lưu này, trên mạng xã hội đã xuất hiện tràn lan nhiều “thầy thuốc online” tự nhận mình là “bác sĩ” hay “chuyên gia” nắn chỉnh khớp, cột sống.

Tiếng kêu rắc rắc gây thích thú thực ra chỉ là một trải nghiệm tâm lý, trên thực tế khi các bác sĩ chuyên khoa thực hiện thao tác nắn chỉnh có thể không tạo ra âm thanh nhưng không có nghĩa là việc nắn chỉnh không hiệu quả. Tuy nhiên nếu cố gắng xoay vặn, thực hiện các động tác không đúng kỹ thuật để tạo ra âm thanh rắc rắc sẽ mang đến nhiều hậu quả đáng ngại. Các chuyên gia khuyến cáo, Việc tự ý bẻ xương khớp như khớp ngón tay, cột sống, khớp cổ... là một trong những thói quen xấu làm giảm tuổi thọ của xương khớp. Điều này khiến cho các khớp ngày càng to lên, đồng thời có thể gây ra những tổn thương không mong muốn. 

TỪ CHƠI KHĂM NHẸ ĐẾN…. ĐÙA “BẨN”

Bắt đầu bằng những cú troll (chơi khăm) nhẹ nhàng, trò đùa này hiện đã biến tướng thành nhiều phiên bản ác, kém duyên, thậm chí phạm luật. Bất chấp việc biến những người bị troll thành nạn nhân, chủ nhân của những clip chơi khăm chỉ quan tâm đến lượt xem và số nút like. Báo Tiền phong đăng tải.

“Ngồi đùi trai lạ”, “thử thách hôn gái đẹp”, “gây chuyện thị phi”…là những trò đang diễn ra tại một số nơi công cộng và gọi là trò khăm nhẹ. Trên các ứng dụng Capcut của Tiktok, các trò này thu hút hơn 1 triệu người sử dụng. Những người làm video sẽ cố tình tạo ra một tình huống bất ngờ để thử thách phản ứng của nạn nhân rồi dùng điện thoại bí mật quay lại. Khi bị phản ứng họ chỉ cần bảo “troll Việt Nam”, ý chỉ đây là một trò đùa vui “không có gì nghiêm trọng”. Trung bình 1 clip troll thu hút khoảng 5000 – 15000 lượt trương tác. Đa số những clip này chỉ cần có view cao thì những “nhà sáng tạo nội dung” chơi khăm bất chấp. Nếu trong trường hợp có đơn kiện của nạn nhân thì các “nhà sản xuất nội dung” có thể bị phạt vì hành vi quấy rối tình dục và sẽ bị phạt hành chính từ 5 đến 8 triệu đồng thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

HÀ NỘI: ĐÈN TÍN HIỆU CHO NGƯỜI ĐI BỘ NHƯ VÔ HÌNH (GIAO THÔNG)  

TP Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ từ năm 2017, tuy nhiên, đèn tín hiệu này đang trở nên vô hình khi không được người dân quan tâm sử dụng.

Theo báo Giao thông, Hà Nội hiện có tổng 13 nút đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường.   Có rất ít người dân sử dụng để xin sang đường. Nhiều đèn trong đó đã không còn hoạt động, số khác thường xuyên bị hỏng, mất tín hiệu. Để đèn tín hiệu hoạt động hiệu quả, cơ quan chức năng cần có cuộc khảo sát chi tiết để quy hoạch, sắp xếp xem chỗ nào cần, chỗ nào không. Thêm vào đó, khi lắp đèn tín hiệu cho người đi bộ, cũng cần cân nhắc thời gian dựa trên các yếu tố như chiều rộng của đường, số lượng người đi bộ... Cũng nên có quy định cụ thể và thiết kế chi tiết để không phải người đi bộ cứ ấn nút là xe cơ giới sẽ dừng lại. Có thể thiết kế cứ sau 5 - 10 phút sẽ có đường dành cho người đi bộ. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam