Điểm báo 3/4: Chọn ngành theo nhu cầu xã hội hay ngành mình đam mê?

Doanh nghiệp vẫn “khát” thông tin thị trường; Miền Tây “khốn đốn” chống chọi hạn mặn; Nghịch lý vùng sông nước nhưng... thiếu nước; Chọn ngành theo nhu cầu xã hội hay ngành mình đam mê?;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 3/4.

DOANH NGHIỆP VẪN “KHÁT” THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

Hoạt động xúc tiến thương mại được nhà quản lý hết sức chú trọng trong thời gian qua. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cần đi vào chiều sâu hơn, từ đó giúp doanh nghiệp chủ động với các chiến lược xuất khẩu.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, mặc dù đã tham gia các chương trình XTTM do Hiệp hội ngành hàng và Cục XTTM tổ chức nhưng không thu được kết quả như mong muốn. Thực tế, khảo sát một số trang website của các cơ quan XTTM cũng thể hiện rõ việc thiếu hụt mảng thông tin về thị trường, khách hàng. Một số trang web đã có cập nhật số liệu, thông tin về thị trường ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhưng đa phần sử dụng số liệu của năm trước. Nhiều doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường theo từng nhóm ngành hàng cụ thể, thông tin thuế quan...

MIỀN TÂY “KHỐN ĐỐN” CHỐNG CHỌI HẠN MẶN

Chỉ trong một thập kỷ qua, khu vực ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng là các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024. Mùa khô năm nay, hạn, mặn được đánh giá là khốc liệt gần tương đương với mùa khô năm 2016.

Theo báo điện tử VOV, từ nửa cuối tháng 12/2023 cho tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62- 94%. Cùng với đó, mặn xâm nhập năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu. Cũng theo bài viết, hiện độ mặn lấn sâu trên các sông miền Tây, cống đóng để ngăn mặn từ biển vào nội đồng; nước trong kênh rạch nội đồng mất nguồn cung, chịu nắng nóng kéo dài cũng cạn khô. Nước máy một số khu vực ở vùng ĐBSCL cũng bị nhiễm mặn khiến tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt của người dân trở nên gay gắt và cấp thiết.

NGHỊCH LÝ VÙNG SÔNG NƯỚC NHƯNG... THIẾU NƯỚC

Phân tích về vấn đề thiếu nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên báo Tiền phong có bài viết: Nghịch lý vùng sông nước nhưng... thiếu nước.

Năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18.000 giếng khoan nước ngầm do hộ cá nhân làm. Qua đó, gây ra một loạt vấn đề ô nhiễm. Ví dụ như ở Bạc Liêu người dân hút nước ngầm bơm lên pha loãng nước mặn để nuôi thủy sản, sau đó không dùng thì rút ống, dẫn đến nước ô nhiễm. Nước mặn theo các giếng này xâm nhập vào hệ thống nước ngầm nên giờ toàn bộ vùng Tây Nam sông Hậu (trừ An Giang, Kiên Giang) không còn nước mặt, vùng Bạc Liêu, Cà Mau nhiều giếng đóng vì bị nhiễm mặn. Theo tính toán, nguồn nước cho đô thị và dân xung quanh, công nghiệp ở ĐBSCL chia 3 vùng, gồm: Bắc sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu và Tây Nam sông Hậu; để tìm nguồn nước, cần xây dựng 4 nhà máy nước cấp cho người dân liên vùng.

CHỌN NGÀNH THEO NHU CẦU XÃ HỘI HAY NGÀNH MÌNH ĐAM MÊ?

Mùa tuyển sinh 2024 đã bắt đầu. Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, không ít học sinh còn băn khoăn chưa biết chọn ngành theo tiêu chí nào. Các chuyên gia tư vấn đã có những lời khuyên hữu ích dành cho thí sinh và phụ huynh. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Theo một số chuyên gia, ngành “hot” hay không “hot” phụ thuộc vào chính mỗi sinh viên. Các thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội bằng cách tạo nhiều năng lực cốt lõi. Các em không nên học một ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn là điều không khó. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam