• 1946 lượt xem
  • 14:34 06/06/2022
  • Xã hội

Điểm báo 6/6: Tăng rà soát "hậu" cấp phép dự án FDI

Tăng rà soát hậu cấp phép dự án FDI; Kỷ luật hàng loạt cán bộ ở Nghệ An liên quan tới vụ khai thác đá trắng; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ gói phục hồi; Băn khoăn chất lượng đầu vào khi có nhiều phương thức xét tuyển... là những tin đáng chú ý sáng 6/6.

TĂNG RÀ SOÁT "HẬU" CẤP PHÉP DỰ ÁN FDI

Trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, khu vực FDI tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục. Đó là nội dung bài viết "Tăng rà soát "hậu" cấp phép dự án FDI" được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị.

Một trong những hạn chế được Bộ KH&ĐT chỉ ra là chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao khi số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ, Châu Âu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ (5%). Theo báo Kinh tế và Đô thị, hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng. Chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành Trung ương, giữa Trung ương với địa phương. 

 HÀNG LOẠT CÁN BỘ Ở NGHỆ AN BỊ KỶ LUẬT LIÊN QUAN VỤ KHAI THÁC ĐÁ TRẮNG

Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Nghệ An vừa có quyết định thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo huyện Quỳ Hợp liên quan đến vụ việc khai thác đá trắng trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Bài viết trên báo điện tử VOV, báo Công an Nhân dân, và một số tờ báo lớn khác.

Báo điện tử VOV đưa tin, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Tùng đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới nên không kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc. Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đình Tùng bằng hình thức Khiển trách. Bên cạnh đó, trưởng phòng và một số cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cũng bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GÓI PHỤC HỒI

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra cuối tuần vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ gói phục hồi. Nội dung được nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tải.

Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin, sau khi UBTVQH thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận rằng, đến nay mới trình danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ra UBTVQH cho ý kiến là rất chậm, phần nào đó làm giảm hiệu quả của Chương trình. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vẫn biết thực hiện nhiệm vụ này khó, nhưng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và cố gắng làm sớm, không để lâu. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ này, chỉ rõ cụ thể những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt để sớm có kết quả cụ thể của gói chính sách này theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

NHIỀU PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN: BĂN KHOĂN CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO

Thống kê cho thấy, mùa tuyển sinh năm nay có khoảng 20 phương thức xét tuyển. Việc đưa ra nhiều phương án giúp các trường đa dạng hóa nguồn tuyển và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Theo báo Giáo dục và Thời đại, khi đặt vấn đề về chất lượng nguồn tuyển khi các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cơ sở đào tạo. Theo đó, các trường phải đưa ra tiêu chí xét tuyển phù hợp. Với những trường có chất lượng đào tạo tốt, mức độ cạnh tranh cao, lâu nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vẫn gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Song, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, phân bổ số lượng chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Đơn cử như, năm 2021, một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ.