Điểm báo: Bất ổn thị trường xăng, dầu

Bất ổn thị trường xăng, dầu; Bất thường chiết khấu âm; Triển khai tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Nhiều nỗ lực từ năm học bản lề; Nhiều công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 13/10/2022.

BẤT ỔN THỊ TRƯỜNG XĂNG, DẦU

Thị trường xăng, dầu có những dấu hiệu bất ổn với hàng trăm cây xăng bị gián đoạn về nguồn cung nhiều ngày qua khiến đời sống của không ít người dân bị đảo lộn. Thực trạng này nói lên điều gì? Mời quí vị điểm qua bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Báo Kinh tế trích dẫn ý kiến nổi bật của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (ĐBQH TPHCM) cho rằng, Lúc này vai trò quản lý của Nhà nước là phải đánh giá xem vì sao lợi ích không hài hòa được giữa các khâu phân phối, từ đó tìm lý do để giải quyết căn cơ bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải biện pháp hành chính. Bởi, biện pháp hành chính buộc doanh nghiệp bán hàng chỉ là để đối phó, giải pháp căn bản phải là cùng hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên. Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, làm thế nào để quản lý tốt các DN đầu mối là rất quan trọng.

BẤT THƯỜNG CHIẾT KHẤU ÂM

Cũng liên quan đến thị trường xăng dầu, báo Tuổi trẻ có bài viết “Bất thường chiết khấu âm”.

Hàng loạt cây xăng tại ĐBSCL đóng cửa, chưa kể nhiều cây xăng khác cũng tìm cách tạm ngưng kinh doanh với lý do thua lỗ, chiết khấu quá thấp, thậm chí âm. Theo báo Tuổi trẻ, những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý Nhà nước phải ra tay tháo gỡ, thậm chí chấn chỉnh những doanh nghiệp cố tình "lách luật", chèn ép các cây xăng. Ngược lại, Nhà nước cần xem lại các quy định về chi phí kinh doanh định mức (1.050 - 1.250 đồng/lít xăng) để tách bạch khâu nào được hưởng bao nhiêu phần trăm.

TRIỂN KHAI TIẾNG ANH, TIN HỌC BẮT BUỘC: NHIỀU NỖ LỰC TỪ NĂM HỌC BẢN LỀ

Đến nay sau hơn 1 tháng sau khai giảng, dù còn thách thức, song các trường tiểu học đang nỗ lực triển khai 2 môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc. Với nhiều giải pháp tháo gỡ, các trường đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền được học cho học sinh ngay từ năm học bản lề. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Việc mọi học sinh được học 2 môn này chính là đảm bảo cho tương lai của các em cũng như sự phát triển của đất nước sau nhiều năm nữa. Theo báo Giáo dục và thời đại, ở nhiều vùng nông thôn, vùng cao, có những điểm trường nằm sâu trong thôn chưa có mạng, cơ sở vật chất thiếu, ban giám hiệu đã tính tới phương án dạy học trực tuyến, giúp học sinh lớp 1, 2 tại các điểm lẻ không chậm hơn so với điểm chính và được làm quen với môn học sớm nhất. Đưa vào bắt buộc, không chỉ đảm bảo công bằng cho học sinh vùng khó khăn, việc bắt buộc này còn mang lại lợi ích chung cho học sinh ở các vùng miền khác là sẽ được học tiếng Anh, Tin học mà không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào.

NHIỀU CÔNG CỤ ĐỂ HỖ TRỢ THANH KHOẢN CHO CÁC NGÂN HÀNG

Liên quan đến việc người dân ồ ạt rút tiền gửi trước kỳ hạn trong những ngày qua, một số chuyên gia tiền tệ cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng như Ngân hàng Nhà nước đều có trong tay nhiều công cụ để giữ an toàn ổn định hệ thống ngân hàng… Ngoài ra, Việt Nam còn có Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng là một công cụ bảo vệ người gửi tiền. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Một số chuyên gia tài chính cho biết, ngân hàng tuy là một ngành kinh doanh, nhưng là ngành kinh doanh có điều kiện và được điều phối bởi ngân hàng trung ương. Theo đó, ngân hàng trung ương có thể có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong việc điều tiết hệ thống ngân hàng. Khi một ngân hàng thương mại có nhu cầu, ngân hàng trung ương có thể thực hiện điều phối trên thị trường liên ngân hàng để điều chuyển dòng tiền nhàn rỗi từ ngân hàng khác sang những ngân hàng có nhu cầu thanh khoản. Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng có thể can thiệp trực tiếp thông qua việc thực hiện chiết khấu, tái cấp vốn cho một ngân hàng nào đó nếu có nhu cầu.