Điểm báo: Cảnh giác với thực phẩm bẩn đang len lỏi trên thị trường

Cảnh giác với thực phẩm bẩn đang len lỏi trên thị trường; Chặn tái ô nhiễm kênh rạch; Ô tô điện giá rẻ và nỗi lo an toàn; Kiểm soát chặt lộ trình tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/7/2023.

CẢNH GIÁC VỚI THỰC PHẨM BẨN ĐANG LEN LỎI TRÊN THỊ TRƯỜNG

Thực phẩm bẩn là nguyên nhân gây ra không ít vụ ngộ độc,thậm chí dẫn đến chết người, là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng. Thông tin đáng chú ý đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra cuối tuần.    

Lợi dụng lúc nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng... ngày càng tăng cao, các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ra sức“nước đục thả câu”, trà trộn, len lỏi vào thị trường. Cụ thể, Đa số hàng hoá trên bao bì đều có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài và các chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hoá của mình.Theo đó, tùy từng hành vi cụ thể của đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt khác nhau tùy thuộc vào giá trị thực phẩm vi phạm. Thông thường mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là  100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc mức phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.    

CHẶN TÁI Ô NHIỄM KÊNH RẠCH

Dù đã được cải tạo và đưa vào sử dụng, thế nhưng nhiều tuyến kênh rạch lớn của TPHCM vẫn rơi vào tình trạng tái ô nhiễm do rác thải và nạn đổ trộm chất thải xuống các dòng kênh còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, dọc tuyến kênh "nước đen" Tân Hóa - Lò Gốm đoạn qua địa bàn quận 6, dù đã được cải tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng thời gian gần đây khoảng chừng hơn 1 km, mùi hôi từ dòng kênh bốc lên rất khó chịu, nhất là vào thời gian buổi trưa nắng nóng. Hay như các kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên cũng đang khiến người dân phải chịu đựng ô nhiễm. Để xử lý triệt để tình trạng “tái xuất” ô nhiễm tại các kênh rạch sau cải tạo, UBND TPHCM đã có chủ trương và đang giao cho các sở, ngành, đơn vị kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Ngoài ra, một hệ thống cống bao cũng đã được xây dựng. Nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức cũng đang xây dựng để giải quyết vấn đề tái ô nhiễm tại các tuyến kênh sau cải tạo.

Ô TÔ ĐIỆN GIÁ RẺ VÀ NỖI LO AN TOÀN

Lo hết pin giữa đường, xe không túi khí, xe điện mini có được đi cao tốc…. Những điều này đang khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất an toàn.    

Chuyên gia ô tô cho rằng, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện của Việt Nam và thế giới nói chung không phân biệt nguồn năng lượng xe. Nghĩa là xe chạy bằng xăng dầu, bằng nhiên liệu sinh học hay là xe chạy điện đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật quốc gia nơi chiếc xe lăn bánh. Tại Việt Nam xe hơi hạng nhẹ chở người sẽ phải thỏa mãn quy chuẩn 09 ban hành cách đây 8 năm. Tuy nhiên quy chuẩn 09 đã đến lúc cần điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế những chiếc ô tô tối giản đến mức không có túi khí cũng được đưa ra thị trường. Hãng xe có thể lý giải là cắt giảm trang bị, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nhưng các chuyên gia cho rằng nhà sản xuất chưa coi trọng khách hàng, hướng tới tâm lý dễ dãi “tiền nào của ấy”.    

KIỂM SOÁT CHẶT LỘ TRÌNH TĂNG GIÁ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THIẾT YẾU

Liên quan đến lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam cho biết, đành rằng, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình tăng giá một số dịch vụ, hàng hóa thiết yếu là cần thiết, nhưng phải điều hành thận trọng và kiểm soát chặt lộ trình tăng giá, tránh ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Có hai vấn đề cần quan tâm đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đó là tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng cần đặt trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT)... Trên thực tế, giá dịch vụ, hàng hóa thiết yếu đều đã có lộ trình sẵn. Những năm gần đây, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã “lỡ hẹn”, không tăng theo lộ trình, do Chính phủ lo ngại tác động đến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.