Điểm báo quốc tế 19/03: Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán toàn diện với Nga

The Globe and Mail dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine cho biết, Ukraine luôn muốn đưa ra các giải pháp hòa bình và mong muốn các cuộc đàm phán có ý nghĩa, trung thực và không chậm trễ về hòa bình và an ninh. Do đó, bây giờ chính là thời điểm để 2 nước cùng ngồi vào bàn toàn diện đàm phán.

Tổng thống Ukraine cũng cảnh báo, rằng Nga sẽ cần nhiều thế hệ để phục hồi sau xung đột. Trước đó, Nga và Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán, song chưa có bước đột phá đáng kể. 

NGUY CƠ GIÁ BÁNH MỲ Ở BỈ TĂNG ĐỘT BIẾN 

Ngành bánh mì ở Bỉ nói riêng, và châu Âu nói chung phụ thuộc chính vào nguồn cung lúa mì từ Nga hay Ukraine. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cùng giá năng lượng tăng vọt đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao kỷ lục. Cùng lúc đó, nhu cầu bánh mì trên thị trường cũng tăng cao đáng kể. Liên đoàn các nhà làm bánh lớn của Bỉ cho biết dự trữ bột mì tại Bỉ chỉ đủ duy trì cho vài tuần tới, do đó giá bánh mì sẽ sớm bùng nổ trong thời gian ngắn. 

PHẦN LAN TIẾP TỤC LÀ NƯỚC HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI 

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố, Phần Lan lần thứ 5 liên tiếp đứng thứ nhất. Các nước Bắc Âu khác cũng tiếp tục giữ top đầu bảng xếp hạng. Trong khi đó, Lebanon và Afghanistan lần lượt giữ các vị trí cuối bảng là 145 và 146. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới dựa trên đánh giá của chính người dân về mức độ hạnh phúc của họ, cũng như các dữ liệu kinh tế và xã hội. 

TÀU CAO TỐC CỦA NHẬT BẢN AN TOÀN TRONG ĐỘNG ĐẤT

Hình ảnh được đăng tải cho thấy tác động của động đất đối với đoàn tàu lớn như thế nào. Thiệt hại đã được giảm thiểu nhờ một hệ thống nhận biết và cảnh báo động đất. Theo giải thích của 1 chuyên gia, hệ thống trên đã kích hoạt phanh khẩn cấp, đoàn tàu dừng lại ngay trước khi xuất hiện đợt rung chấn thứ 2. Được biết, hệ thống nhận biết và cảnh báo động đất trên tàu còn sử dụng dữ liệu từ cơ quan khí tượng Nhật Bản và các cảm biến dưới biển. 

ĐÔNG NAM Á VÀ NHỮNG NỖ LỰC HỒI SINH NGÀNH DU LỊCH

Với tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao và kiểm soát dịch Covid-19 khá thành công, nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu mở cửa du lịch để kích cầu nền kinh tế. Điều này thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. Sau đây là một số bài viết. Với tiêu đề “Các điểm nóng du lịch châu Á dần dỡ bỏ các hạn chế đi laị”, bài viết trên trang Bloomberg cho biết thời điểm dỡ bỏ hạn chế phòng dịch của các nước Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam đã sớm thực hiện ngay hôm thứ 5 vừa qua. Với việc mở cửa trở lại, các nước đã nới lỏng các điều kiện nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế, bao gồm khôi phục chính sách visa như trước dịch. Bài viết cho hay du lịch đóng góp lớn cho kinh tế Đông Nam Á, cung cấp việc làm cho 42 triệu lao động. 

Một bài viết khác trên trang mạng Nikkei cung cấp thông tin về cách các chính phủ Đông Nam Á thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch linh hoạt hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Theo đó, chính phủ Philippines đã chuẩn bị chính sách phát triển cho ngành du lịch nước nhà trong vòng 6 năm tới, “mở đường cho việc xây dựng một nền tảng vững chắc để đề phòng những cú sốc tương tự mà ngành du lịch có thể gặp phải trong tương lai". Còn tại Indonesia, nước này đang chuyển dịch từ “số lượng sang chất lượng”, tập trung vào du khách dài hạn -  những người chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh địa phương và chú trọng bảo vệ môi trường. Bài viết nhận định, Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn mở cửa trở lại, với những hạn chế được giảm bớt đáng kể ở hầu hết các khu vực trong khu vực. Tuy nhiên, du lịch sẽ chưa phục hồi đáng kể cho đến năm 2024.

 

Bùi Thảo