Điểm báo quốc tế 22/6: EU ủng hộ trao tư cách ứng viên cho Ukraine

Tổng thống Pháp bác đơn từ chức của Thủ tướng Elisabeth Borne; Brexit khiến người lao động Anh thiệt thòi hơn; Nhiều nước Châu Âu chưa thể dứt bỏ than đá... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 22/6/2022.

EU ủng hộ trao tư cách ứng viên cho Ukraine

 Mở đầu phần điểm báo quốc tế là thông tin về Ukraine. Trong một quyết định mang tính biểu tượng, ngoại trưởng các nước thành viên EU đã đồng thuận ủng hộ trao tư cách ứng cử viên chính thức cho Ukraine.

Sau nhiều ngày thảo luận nội bộ EU, không có sự phản đối nào trong số 27 nước thành viên về quyết định này. Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra thông báo chính thức trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Sau đó, sẽ mất nhiều năm hoặc có khi là hàng thập kỷ đánh giá kỹ lưỡng trước khi Ukraine có thể trở thành một thành viên thực sự. 

Tổng thống Pháp bác đơn từ chức của Thủ tướng

Tổng thống Emmanuel Macron đã bác đơn từ chức của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (Ê-li-za-beth Boóc-nơ), sau khi liên minh cầm quyền mất thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.  

Lí do mà Tổng thống Macron đưa ra là "để chính phủ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ". Ông Macron sẽ tiến hành "đối thoại chính trị cần thiết để xác định các giải pháp mang tính xây dựng có thể được thực hiện để phục vụ người dân Pháp”. Tổng thống Pháp đang chuẩn bị tham dự một loạt hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Do đó sẽ không có thời gian để tiến hành một cuộc cải tổ chính phủ ngay lập tức.  

Brexit khiến người lao động Anh thiệt thòi hơn

 Việc Anh rời EU (Brexit) đã kéo giảm tiềm năng tăng trưởng của đất nước, và khiến người lao động mất hàng trăm bảng tiền lương mỗi năm. Đây là kết luận của một nghiên cứu được The Guardian đăng tải.

Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation và các học giả từ Trường Kinh tế London cho biết người lao động trung bình ở Anh mất hơn 470 bảng Anh (Hơn 13 triệu đồng) tiền lương mỗi năm cho đến trước năm 2030 sau khi chi phí sinh hoạt tăng được tính đến. Các nhà nghiên cứu cho biết Brexit đang làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Anh trên thị trường thế giới cũng như các công ty buộc phải đối phó với những khó khăn từ đại dịch Covid -19 và cuộc xung đột ở Ukraine đẩy lạm phát lên mức lịch sử.

Trung Quốc: Núi rác thải y tế vì xét nghiệm diện rộng

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện hàng triệu xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày, tạo ra một lượng rác thải y tế lớn. Đây chính là một gánh nặng về kinh tế và môi trường với quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Theo Japan Times, xét nghiệm gần như hàng ngày là vũ khí được sử dụng phổ biến nhất trong số các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc. Việc xét nghiệm hàng loạt dường như sẽ được duy trì khi các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định chính sách zero Covid đã cho phép quốc gia đông dân nhất thế giới tránh được thảm họa sức khỏe cộng đồng. Nhưng các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này tạo ra một núi chất thải nguy hại và gánh nặng kinh tế ngày càng lớn cho chính quyền các địa phương, khi phải đầu tư hàng chục tỷ đô la vào tài trợ cho hệ thống. Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải y sinh có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước, gây ra các mối đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người. 

Nhiều nước Châu Âu chưa thể dứt bỏ than đá

 Việc Nga giảm nguồn cung khí đốt cho EU đe dọa gây nên khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông tới, nếu các kho chứa tại châu Âu không được lấp đầy nhanh chóng. Vì thế các khách hàng châu Âu mua nhiều khí đốt từ Nga nhất đang nỗ lực chạy đua để tìm nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế. Điều này có thể dẫn tới việc nhiều nước khó tránh lựa chọn quay trở lại với điện than.   

Theo kênh tin tức CGTN, Đức, Italia, Áo và Hà Lan đều đã phát đi tín hiệu rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng khiến giá khí đốt tăng cao và thêm vào đó là thách thức lạm phát. Do nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm, Italy có thể sớm tuyên bố tình trạng báo động, tăng cường sử dụng các nhà máy điện than. Trong khi đó Đức có thể khởi động lại các nhà máy nhiệt điện mà nước này đã dự định loại bỏ. Bộ Kinh tế Đức cho biết việc đưa các nhà máy nhiệt điện trở lại có thể tăng thêm 10 gigawatt công suất điện trong trường hợp nguồn cung khí đốt đạt mức thấp đáng báo động. 

Trong khi đó trang Business Insider cho hay Châu Âu hiện đang trải qua đợt nắng nóng mùa hè gay gắt, thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên cho các hệ thống làm mát. Quyết định cắt giảm nguồn cung của Nga đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào khu vực này có thể chuẩn bị cho những tháng mùa đông quan trọng, khi mức tiêu thụ cao hơn nhiều. Giá than giao tại châu Âu đã tăng 152% trong năm nay, so với mức tăng 75% của giá khí đốt. Đức, Áo và Hà Lan đã chỉ ra rằng điện sản xuất từ than đá có thể giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới. Điều  này cũng trái ngược với cam kết của họ là cắt giảm việc sử dụng than và việc hầu hết các quốc gia châu Âu có kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện vào năm 2030. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Đức đã đưa ra quyết định "cay đắng" để khởi động lại các nhà máy điện than nhàn rỗi nhưng việc cắt giảm sử dụng khí đốt cũng là điều "vô cùng cần thiết". Áo - quốc gia đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng vào năm 2020 - cho biết họ đang chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện khí sang chạy bằng than trong trường hợp khẩn cấp, trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện than của Italia đã tích trữ than trong vài tháng qua.

Vân Hương