Điểm báo quốc tế 28/8: Nga và Iran tăng cường quan hệ

Thái Lan không giải tán hạ viện, Cháy phà ở Philippines, Lãnh đạo Hàn Quốc - Mỹ chuẩn bị hội đàm, Nga và Iran tăng cường quan hệ, Bài toán năng lượng: Thách thức với chính phủ Anh,... là những tin nổi bật có trong điểm báo quốc tế trưa 28/08.

THÁI LAN KHÔNG GIẢI TÁN HẠ VIỆN

Tờ Bangkok Post hôm nay đưa tin, Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan đã phủ nhận những đồn đoán về việc nước này sẽ cải tổ nội các hoặc giải tán Hạ viện, sau khi Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Bangkok Post dẫn lời bà Tipanan Sirichana, Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan, nhấn mạnh rằng Tướng Prayut vẫn là Thủ tướng, và việc đình chỉ chức vụ của ông chỉ có hiệu lực cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết chính thức về vấn đề này. Thái Lan cũng đang có Thủ tướng tạm quyền, vì vậy người dân có thể an tâm rằng không có khoảng trống chính trị nào trong việc quản lý đất nước hay bất kỳ sự cản trở nào đối với các dự án của chính phủ.

CHÁY PHÀ Ở PHILIPPINES

Cơ quan chức năng Philippines cho biết, tất cả 85 hành khách và thủy thủ đoàn đã được giải cứu an toàn khỏi chiếc phà bị cháy hôm qua. 

Chiếc phà bốc cháy khi cách cảng Batangas, phía nam thủ đô Manila chỉ khoảng 1 dặm, khiến nhiều hành khách hoảng loạn nhảy xuống nước. Tất cả đã được lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu xung quanh cứu vớt. Nguyên nhân vụ cháy phà đang được điều tra. Các tai nạn đường biển xảy ra ở Philippines thường do phà và tàu thuyền quá tải và bảo dưỡng kém.

LÃNH ĐẠO HÀN QUỐC - MỸ CHUẨN BỊ HỘI ĐÀM

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 tại New York, nhân dịp khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thông tin trên tờ Korea Herald.

Theo đó nếu diễn ra, đây sẽ là lần thứ hai hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn gặp nhau sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương vào tháng 5 tại Seoul. Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về vấn đề hạt nhân và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như mở rộng hợp tác kinh tế song phương. Theo Korea Herald, Tổng thống Yoon Suk-yeol dự kiến cũng sẽ thảo luận về “sáng kiến táo bạo” hỗ trợ kinh tế để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vốn đã được Mỹ lên tiếng ủng hộ.

NGA VÀ IRAN TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ

Nga và Iran, các quốc gia đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, dường như đang xích lại gần nhau hơn thời gian qua. Tờ TASS hôm nay dẫn lại bài phân tích của một chuyên gia đăng trên Wall Street Journal, trong đó khẳng định động thái này khiến Mỹ quan ngại.

TASS dẫn lời bài phân tích cho biết, Iran và Nga đang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết, vì sự cô lập quốc tế đã thúc đẩy hai quốc gia đối đầu với Mỹ hướng tới hợp tác thương mại và quân sự nhiều hơn, điều này khiến Mỹ lo lắng. Trên thực tế, một liên minh Nga - Iran chặt chẽ hơn sẽ giúp cả hai nước giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, bằng cách tìm kiếm thị trường mới và thúc đẩy hợp tác quân sự. Thương mại song phương giữa Nga và Iran đã tăng hơn 10% trong năm nay.

BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG: THÁCH THỨC VỚI CHÍNH PHỦ ANH

Chỉ khoảng 2 tuần nữa nước Anh sẽ có Thủ tướng và Chính phủ mới. Trong bối cảnh đất nước đang đứng ở giai đoạn chuyển tiếp chính trị, người dân Anh cũng đang phải vật lộn để đối phó với giá năng lượng tăng chóng mặt trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Việc cơ quan quản lý năng lượng Vương quốc Anh vừa cho biết, hóa đơn năng lượng hộ gia đình hàng năm của người dân nước này sẽ tăng 80% dự kiến sẽ tiếp tục đặt ra bài toán khó đối với nhà lãnh đạo mới.

Từ ngày 1/10 này, giới hạn giá năng lượng ở Anh sẽ tăng từ mức 1.971 bảng lên 3.549 bảng Anh, tương đương mức tăng 80%. Tờ The Guardian có bài phân tích cho rằng, việc giá năng lượng ở Anh tăng vọt không phải là điều bất ngờ, điều này đã được dự đoán trước trong nhiều tháng qua do những biến động địa chính trị ở Nga. Thế nhưng, đợt tăng giá mới nhất này sẽ đẩy hàng trăm nghìn người dân Anh vào cảnh không có điện để dùng, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh nợ nần vì hóa đơn tiền điện. Chính vì vậy, tác giả chỉ ra rằng, trong 2 tuần tới, cho dù bà Liz Truss hay ông Rishi Sunak lên làm Thủ tướng, chính phủ mới cũng sẽ phải “làm nhiều hơn nữa” so với những gì họ cam kết. Đó là “đóng băng” giới hạn giá năng lượng. Chi phí để làm việc này lấy từ việc tăng lãi suất cho vay và đánh thuế cao hơn. Đây là những gì các nước Châu Âu khác đang làm, và nước Anh cũng phải làm như vậy. Bài báo kết luận, Đảng Bảo thủ cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng bằng những hành động quyết liệt, còn nếu không, họ sẽ phải nhường chỗ cho một chính phủ khác sẵn sàng hành động hơn.

Cùng chung quan điểm, một viết trên trang CNN khẳng định Vương quốc Anh cần phải sớm tìm ra câu trả lời cho các hóa đơn năng lượng tăng vọt, nếu không nước này có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo thời gian tới. Theo đó, Scottish Power cho biết chính phủ Anh nên giới hạn hóa đơn năng lượng ở mức 2.000 bảng Anh (2.356 USD) và bơm tiền cho các nhà cung cấp để đáp ứng chi phí khí đốt và điện cao hơn nhiều trên các thị trường bán buôn. Chi phí trợ cấp cho quyết định này sẽ đến từ việc tăng lãi suất và tăng thuế của chính phủ. Cho đến nay, chính phủ đã cung cấp khoảng 33 tỷ bảng Anh (39 tỷ đô la) hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình, thông qua việc cắt giảm thuế, giảm giá hóa đơn năng lượng và thanh toán trực tiếp.

Anh Tuấn