Điểm báo quốc tế: Cảnh báo nguy cơ bình thường hoá vi phạm quyền của người tị nạn

Một số tin tức đáng chú ý: Cảnh báo nguy cơ bình thường hoá vi phạm quyền của người tị nạn; Na Uy: Cuộc đối đầu giữa loài tuần lộc và các trang trại gió; Cựu tổng thống Mỹ lên kế hoạch ra mắt ứng dụng truyền thông xã hội mới; Bóng đá nữ Ảrập xê-út có chiến thắng đầu tiên; Đại học Harvard bị cáo buộc làm ngơ quấy rối tình dục

Cảnh báo nguy cơ bình thường hoá vi phạm quyền của người tị nạn

Quan chức phụ trách vấn đề người tị nạn của Liên Hợp Quốc lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực gia tăng đối với người tị nạn và người di cư tại khu vực biên giới các quốc gia châu Âu. Theo đó, các hành vi vi phạm nhân quyền và “trả người” bất hợp pháp trên khắp các biên giới có nguy cơ được “bình thường hóa”.

Dẫn lời Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi, bài báo "Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ bình thường hóa hành vi vi phạm quyền của người tị nạn” trên tờ South China Morning Post cho biết, những gì đang xảy ra ở biên giới châu Âu là không thể chấp nhận được cả về mặt pháp lý và đạo đức, và cần nhanh chóng dừng lại. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho rằng, các bức tường và hàng rào không có khả năng ngăn chặn những người chạy trốn khỏi chiến tranh và đàn áp, mà sẽ chỉ “góp phần vào nỗi đau khổ lớn hơn của những cá nhân cần được quốc tế bảo vệ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Na Uy: Cuộc đối đầu giữa loài tuần lộc và các trang trại gió

Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và những quyền của người dân, đặc biệt là người dân bản địa hiện là 1 trong những thách thức mà chính quyền các quốc gia phải đối mặt. Chính phủ Na Uy với lời hứa đưa đất nước trở thành quốc gia đi đầu trong tôn trọng các quyền của người bản địa, trong khi phải đảm bảo thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh đang phải đầu tìm giải pháp cho vấn đề này. 

Câu chuyện về “Cuộc đối đầu giữa loài tuần lộc và các trang trại gió” được đăng trên tờ The Japan Times. Theo đó, cuộc sống của người dân Sami bản địa cùng những chú tuần lộc trên bán đảo Fosen đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những trang trại gió được dựng lên để khai thác điện. Dù Tòa án tối cao Na Uy đã đứng về phía người dân, và ra phán quyết rằng các tua-bin gió trong các bãi chăn thả truyền thống đã vi phạm nhân quyền của người Samis theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, lợi ích của những trang trại điện gió mang lại cho Na Uy – quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ và đang hướng đến mục tiêu phát triển xanh, đang là điều khiến chính quyền chưa thể mạnh tay xử lý các vi phạm. Các nhà lãnh đạo Na Uy trong thế tiến thoái lưỡng nan, giữa 1 bên là quyền của người bản địa, 1 bên là lợi ích phát triển xanh và bền vững của quốc gia. 

Cựu tổng thống Mỹ lên kế hoạch ra mắt ứng dụng truyền thông xã hội mới

Truyền thông quốc tế đang hướng sự chú ý đến nền tảng truyền thông xã hội mới của ông Donald Trump. Ứng dụng "Truth Social" đang lên kế hoạch triển khai dần trong tuần này và sẽ "hoạt động đầy đủ" vào cuối tháng 3. 

Bài đăng với nhan đề “Ứng dụng truyền thông xã hội mới của ông Trump lên kế hoạch triển khai” của tờ Bangkok Post cho biết, trong tuần này, ứng dụng Truth Social của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được triển khai trên App Store. Ông Trump đã mô tả Truth Social là một giải pháp thay thế cho Facebook, Twitter hay YouTube – những nền tảng mạng xã hội đã cấm các hoạt động của ông sau cuộc tấn công vào Điện Capitol hồi tháng 1 năm ngoái. Trước khi bị Twitter cấm hoạt động, ông Trump có khoảng 89 triệu người theo dõi và liên tục sử dụng nền tảng này để đưa ra các tuyên bố của tổng thống cũng như tấn công các đối thủ.

Bóng đá nữ Ảrập xê-út có chiến thắng đầu tiên

Đội tuyển bóng đá nữ của A Rập Xê-út vừa có chiến thắng đầu tiên trong lịch sử. Vượt xa ý nghĩa của một trận bóng hay, thành công này còn là bước khởi đầu cho hành trình hướng đến việc nới lỏng một số quy tắc nghiêm ngặt vẫn được áp dụng đối với phụ nữ tại quốc gia Hồi giáo này

Bài báo của CNN gọi trận thắng đầu tiên của các nữ cầu thử A Rập Xê-út là 1 chiến thắng lịch sử. Huyền thoại bóng đá Brazil Pelé, cũng đã gọi sự kiện này là một "ngày lịch sử". Theo ông, "Hôm nay là một ngày lịch sử không chỉ với A Rập Xê-út, mà với tất cả những ai yêu bóng đá." Chiến thắng này chỉ là khởi đầu cho những gì sắp tới. Chỉ vài năm trước đây, phụ nữ A Rập Xê Út bị cấm tham gia hầu hết các môn thể thao nơi công cộng. Tuy nhiên, vào năm 2020, quốc gia này đã phát động một giải bóng đá nữ. Theo các nhà tổ chức, đây sẽ là "một bước tiến lớn nữa cho tương lai của đất nước."

Đại học Harvard bị cáo buộc làm ngơ quấy rối tình dục

Đại học Harvard hiện đang đối mặt với vụ kiện sau khi 3 sinh viên tố bị giáo sư quấy rối tình dục, lạm dụng và trả thù. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi việc bao che cho các hành vi quấy rối sau những cánh cửa đóng kín tại các trường đại học của Mỹ là điều đã từng nhiều lần được đề cập

Bài viết với tựa đề “Vụ kiện cáo buộc Harvard làm ngơ quấy rối tình dục” của Thời báo Ấn Độ thông tin, 3 nữ sinh viên đã đệ đơn lên tòa án liên bang Boston, kiện Đại học Harvard đã phớt lờ các cáo buộc rằng Tiến sĩ John Comaroff đã quấy rối tình dục và đe dọa trừng phạt các sinh viên trong nhiều năm. Cuộc tranh cãi gây chia rẽ ngay trong chính các giảng viên. Bởi hơn 90 học giả tại Harvard và các trường đại học khác trên toàn cầu - đã ký vào bức thư ngỏ bảo vệ ông Comaroff. Tuy nhiên, sau đó, hơn phân nửa trong số các học giả tham gia đã rút tên mình khỏi  danh sách ủng hộ ông Comaroff. 

Vụ việc trên gây bức xúc dư luận không chỉ tại Mỹ mà còn trên cả thế giới. “VÌ SAO HAVARD BẢO VỆ KẺ  BỊ CÁO BUỘC QUẤY RỐI TÌNH DỤC?” là tựa báo được đăng tải trên trang tin Al Jazeera. Theo đó, tác giả bài viết nhận định, các cuộc điều tra về lạm dụng tình dục trong khuôn khổ trường học thường diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. Công chúng hầu như không biết các trường đại học đã bảo vệ “ngôi sao” của họ (chẳng hạn như các học giả nổi tiếng) khỏi các cáo buộc quấy rối tình dục ra sao. Bài viết gọi bức thư của các giáo sư Harvard, là minh chứng rõ ràng nhất về những gì mà những người dám đứng lên tố cáo hành vi lạm dụng tình dục đã phải trải qua trong thực tế.  Và, quan trọng nhất, các giáo sư đã không lường trước được tín hiệu rõ ràng mà lá thư của họ sẽ gửi đến sinh viên: Đó là khi một người trẻ tuổi dám chống lại một học giả nổi tiếng, sự nghiệp học tập của họ cũng coi như đặt dấu chấm hết.  
 

Đức Thiện