Điểm báo quốc tế ngày 16/4: Tương lai nào cho đại dịch Covid-19?

Hàn Quốc đã quyết định tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Tương lai nào cho đại dịch Covid-19?; Người dùng mạng xã hội ở Philippines không cần đăng ký tên thật và số điện thoại; Bộ Y tế Malaysia vừa ra quyết định cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa Covid-19 cho người trên 60 tuổi... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 16/4.

Hôm qua (15/4), Hàn Quốc đã quyết định tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục xuất khẩu khi nền kinh tế gia tăng bất ổn.

Báo Korea Herald thông tin, chính phủ Hàn Quốc sẽ chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước, bao gồm báo cáo lên Quốc hội. Trước đó, Hàn Quốc có kế hoạch xin gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào ngày 9/5 tới. Chính phủ của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol dự định sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để trở thành thành viên của CPTPP, ước tính sẽ mất ít nhất 1 năm. Việc gia nhập CPTPP có thể sẽ giúp Hàn Quốc thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư, tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm từ 0,33 - 0,35%. 

DÂN SỐ NHẬT BẢN GHI NHẬN MỨC GIẢM KỶ LỤC

 Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản vừa công bố số liệu thống kê dân số, theo đó dân số của nước này đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 644.000 người, xuống còn hơn 125,5 triệu người vào năm 2021 vừa qua.

Thông tin từ hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản sụt giảm là do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, cùng với đó là sự sụt giảm số công dân nước ngoài do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19. Đây là năm thứ 11 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận dân số giảm và là mức giảm cao nhất kể từ năm 1950 cho đến nay.

 PHILIPPINES: NGƯỜI DÙNG MẠNG XÃ HỘI KHÔNG CẦN ĐĂNG KÝ TÊN THẬT

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bác bỏ một dự luật yêu cầu người dùng mạng xã hội phải đăng ký tên thật và số điện thoại, với lý do lo ngại luật này xâm phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư.

Theo trang Channel News Asia, dự luật được thiết kế nhằm ngăn chặn tin tức giả mạo, hành vi bắt nạt trên mạng, tin nhắn lừa đảo và các vụ đánh bom của phiến quân miền Nam. Dự luật này còn yêu cầu người dùng điện thoại di động phải cung cấp chi tiết thông tin cá nhân khi mua SIM. Tháng 2 vừa qua, hai viện của Quốc hội Philippines đã thông qua dự luật này. Tuy nhiên, những người không ủng hộ lại cho rằng dự luật là một hình thức giám sát của nhà nước.

MALAYSIA TIÊM MŨI VACCINE TĂNG CƯỜNG THỨ HAI CHO NGƯỜI CAO TUỔI

 Bộ Y tế Malaysia vừa ra quyết định cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho đối tượng người trên 60 tuổi, trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng sau mũi tiêm nhắc lại đầu tiên. 

Báo The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những người lớn tuổi có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 phải đối mặt với nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng và cũng có nguy cơ tử vong cao hơn. Bệnh nhân đã mắc Covid-19 có độ tuổi trên 60 có thể tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai sau khi khỏi bệnh 3 tháng.

TƯƠNG LAI NÀO CHO ĐẠI DỊCH COVID-19?

 Tuần qua, thế giới ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu từ đầu năm 2020. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch để quay trở lại thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Đến bao giờ Covid-19 mới có thể được coi là “bệnh đặc hữu”, tức là một loại bệnh hiện diện thường xuyên, lặp đi lặp lại qua các năm và có thể dự đoán được? Tương lai nào cho đại dịch Covid-19? Báo chí thế giới đã có nhiều bài viết phân tích về vấn đề này. 

“WHO cảnh báo Covid-19 còn lâu nữa mới có thể trở thành bệnh đặc hữu” là nội dung chính của bài đăng trên trang Al Jazeera. Theo đó, tác giả bài viết dẫn lời ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) khẳng định “hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng nếu Covid-19 lắng xuống thì mọi vấn đề sẽ chấm dứt”. Virus SARS-CoV-2 vẫn có thể gây ra các đợt bùng phát lớn trên toàn cầu và vẫn chưa ổn định về mô hình lây truyền. 

Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh, tuần qua, thế giới ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 đạt mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với 20.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Mike Ryan cho rằng “như vậy vẫn là quá nhiều”, và cảnh báo “chúng ta nên vui mừng nhưng đừng nên thỏa mãn”.

Cũng đề cập đến tương lai của đại dịch Covid-19, trang CNN đăng tải bài viết với tiêu đề “Covid-19 đã trở thành bệnh đặc hữu hay chưa? Các chuyên gia chưa thực sự chắc chắn về điều này”. 

Bài viết nhận định, ngày càng có nhiều quốc gia phương Tây giảm bớt các hạn chế phòng dịch và tiến tới sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học hàng đầu bày tỏ lo ngại rằng, “bệnh đặc hữu” là một thuật ngữ quá đơn giản để áp dụng cho Covid-19 trong thời điểm hiện tại và con người cần phải chuẩn bị sẵn sàng để tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nếu có biến chủng mới hoặc một làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện. 

Thay vì coi Covid-19 như một “bệnh đặc hữu”, tác giả bài viết dẫn ý kiến các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, nên tập trung vào các biện pháp “quản lý bền vững” như tiêm phòng nhắc lại hàng năm, có các biện pháp y tế dự phòng, theo dõi liên tục vị trí, thời điểm và cách thức lây lan của virus. 

Về vấn đề này, báo The New York Times đặt câu hỏi: “Đây có phải là những gì thường thấy ở một căn bệnh đặc hữu hay không?”. Bài viết cho rằng, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn cấp tính của đại dịch và Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như thế nào vẫn còn là một bí ẩn. 

Tác giả bài viết dẫn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia y tế công cộng và các nhà sử học về y tế nhấn mạnh rằng, một bệnh đặc hữu hoàn toàn có thể trở thành đại dịch một lần nữa, đồng thời vẫn có thể gây tác động nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mỗi năm, như bệnh cúm hay sốt rét.

Bài viết kết luận, bệnh đặc hữu không có nghĩa là hết bệnh, mà có nghĩa là chúng ta cần phải sống chung và thường xuyên có các biện pháp kiểm soát đối với căn bệnh đó./.

Kim Ngọc