Điểm báo: Quy hoạch không theo kịp thực tế nơi thiếu chợ, chỗ lại bỏ hoang

Quy hoạch không theo kịp thực tế nơi thiếu chợ, chỗ lại bỏ hoang; Thứ nông dân thường vứt đầy đồng không ngờ là “mỏ vàng”; Giảm 2% thuế VAT, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm; Tiền lương là ưu tiên hàng đầu của người lao động khi tìm việc năm 2024...Là những tin có trong điểm báo sáng 11/12.

QUY HOẠCH KHÔNG THEO KỊP THỰC TẾ NƠI THIẾU CHỢ, CHỖ LẠI BỎ HOANG

Đầu tuần sáng nay, trên báo Kinh tế và đô thị có bài viết, Để phát triển hệ thống bán lẻ, thời gian qua TP Hà Nội đã cải tạo, xây mới nhiều khu chợ truyền thống, tuy nhiên các chợ này lại không thu hút được người bán lẫn người mua thậm chí bỏ hoang...

Trong khi tại nhiều khu dân cư, một loạt khu đô thị mới, tái định cư đang thiếu một khu chợ để phục vụ cư dân thì tại một số quận, huyện lại xảy ra tình trạng chợ bỏ hoang sau khi xây mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất. Đơn cử như Tại quận Nam Từ Liêm trên địa bàn phường Phú Đô đã khởi công xây dựng chợ dân sinh đến nay công trình vẫn không được đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp có dấu hiệu bị hư hỏng. Ngoài ra, còn rất nhiều chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự như chợ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Chưa hết, trên địa bàn Hà Nội còn có một số chợ, trung tâm thương mại mặc dù đã được xây mới nhưng đều ế khách, hoạt động cầm chừng. Điển hình là chợ Hàng Da. Nguyên nhân là do hệ thống chợ chưa theo kịp quy hoạch phát triển đô thị, cơ chế, chính sách không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, sự đồng thuận của tiểu thương

THỨ NÔNG DÂN THƯỜNG VỨT ĐẦY ĐỒNG KHÔNG NGỜ LÀ “MỎ VÀNG”

Rơm khô trước kia thường bị nông dân đốt bỏ ngoài đồng. Hiện nhiều người đã chú trọng đến giá trị của rơm rạ và thương mại hóa sản phẩm. Thứ phụ phẩm nông nghiệp này đang trở thành “mỏ vàng” với nhiều giá trị, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

Nhiều người nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm rạ cho cây trồng nông nghiệp và chăn nuôi tăng cao nên đã sáng chế những chiếc máy cuốn rơm để thu gom rơm và bán lại. Việc thu mua rơm rạ vừa khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa tăng thu nhập cho nông dân, biến rơm thành một loại hàng hóa giá trị. Hiện ở nhiều nơi, rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua. Những cuộn rơm này được các trang trại chăn nuôi bò, nuôi rươi, trồng nấm, trồng thanh long, trồng hồ tiêu, trồng cà phê... mua rất nhiều. Những cuộn rơm ẩm, hình thức không đẹp mắt thường được thu mua để lót đầm rươi, làm chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể... Loại rơm đẹp là vàng đều và nhìn rất óng, khô, loại này thường những người nuôi bò sẽ mua lại. Giá cả của rơm dính nước cũng rẻ hơn khoảng vài nghìn đồng/cuộn.

GIẢM 2% THUẾ VAT, KÍCH CẦU TIÊU DÙNG DỊP CUỐI NĂM

 Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, Quốc hội vừa đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2024. Quyết định này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, giảm lãi suất cho vay và chính sách “mở cửa” visa du lịch... Các chính sách này đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu chung của toàn thị trường nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng tăng trưởng dương. Đối với hệ thống bán lẻ hiện đại, các chuyên gia cho rằng: Việc tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 là tín hiệu rất khả quan để kích cầu tiêu dùng. Trong quý III/2023, lượng người mua sắm tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã khởi sắc hơn, doanh thu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của việc giảm thuế VAT 2%.

TIỀN LƯƠNG LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI TÌM VIỆC NĂM 2024

Có đến 83,4% nhân viên cho biết khi tìm việc làm mới, ưu tiên hàng đầu là tiền lương; 70% trong số họ cho rằng mức lương là yếu tố tác động mạnh nhất đến quyết định nghỉ việc nếu họ không hài lòng với công ty.

Tiếp theo là các yếu tố khác như văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến trong công việc, chế độ thưởng. Đặc biệt, trước những biến động kinh tế khác nhau và thị trường lao động nói riêng, người lao động mong đợi sự ổn định trong kinh doanh, và đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính từ người sử dụng lao động với việc được trả lương đúng hạn là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trước nhiều biến động của thị trường, nhiều nhân viên cũng đặt kỳ vọng cao vào sự cam kết và đảm bảo việc làm từ doanh nghiệp. Tỷ lệ này chiếm 45,7%. Bên cạnh đó, xu hướng việc làm được người lao động quan tâm nhất trong năm 2023 sẽ kéo dài đến năm 2024 là làm việc linh hoạt. Đặc biệt, mối quan tâm về sức khỏe tâm thần cũng được ghi nhận khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các yếu tố khác bao gồm làm việc từ xa, sử dụng AI và trao quyền cho người lao động.  

Truyền hình Quốc hội Việt Nam