Điểm báo: Thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhưng không tăng trưởng nóng

Thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhưng không tăng trưởng nóng; Kinh tế xanh, doanh nghiệp gian nan đi tìm vốn; Muốn sớm có sân bay, các địa phương phải có nguồn vốn xã hội hóa; Nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 1/10.

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN SẼ PHỤC HỒI NHƯNG KHÔNG TĂNG TRƯỞNG NÓNG

Thị trường bất động sản đã có những chuyển động tích cực hơn, cho thấy một chu kỳ mới sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ theo hướng chậm mà chắc, lành mạnh không ồ ạt tăng trưởng nóng như trước đây. Bài viết phân tích đáng chú ý trên Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo chuyên gia nhận định, Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ bắt đầu từ thị trường nhà ở tại các khu vực trung tâm do nhu cầu thực cao và không bị đóng băng kể cả ở thời điểm khó khăn nhất vừa qua. Còn các dự án nhà phố ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sôi động trở lại. Do nguồn cung hiện nay vẫn còn tồn đọng khá lớn, trong khi nhu cầu mua ở thực tương đối thấp. Ngoài ra, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc tiềm năng khi hạ tầng kết nối giữa các khu vực đang ngày càng hoàn thiện.

KINH TẾ XANH, DOANH NGHIỆP GIAN NAN ĐI TÌM VỐN

Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đáp ứng “hàng rào xanh” đang được dựng lên tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn này không dễ dàng.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, trong bối cảnh chịu áp lực chuyển đổi xanh từ thị trường, đại diện Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Nhiều doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi nhưng chưa thể thực hiện. Cụ thể, trong ngành dệt may còn thiếu hụt nguồn cung, nhập khẩu lớn, chịu nhiều áp lực từ các vấn đề của thị trường, thay đổi công nghệ, tìm kiếm đơn hàng. Để giải bài toán này, Bộ Tài nguyên – Môi trường nên xây dựng nguồn quỹ, hỗ trợ các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hệ thống năng lượng xanh… tuân thủ đúng các điều khoản cho phép từ các hiệp định thương mại. Có như vậy mới giảm bớt nhập khẩu, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

MUỐN SỚM CÓ SÂN BAY, CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI CÓ NGUỒN VỐN XÃ HỘI HÓA

 Phong trào xin xây dựng sân bay dân dụng mới hoặc chuyển sân bay quân sự hiện có thành sân bay lưỡng dụng của các địa phương nổi lên từ nhiều năm gần đây. Đây là nhu cầu chính đáng song muốn thực hiện các địa phương phải chủ động được nguồn vốn đầu tư.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị, Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn đang khó khăn như hiện nay, trong khi nhu cầu có sân bay của các địa phương vẫn rất lớn thì việc huy động nguồn vốn xã hội hóa gần như là con đường duy nhất. Và, trách nhiệm này cần được giao về cho các địa phương. Tỉnh nào muốn sớm có sân bay thì tỉnh đó phải đẩy mạnh công tác huy động vốn xã hội hóa. Đó chính là áp lực nhưng cũng là động lực để các địa phương hiện thực hóa mong muốn có sân bay. Bên cạnh đó, để thu hút xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, sân bay cần phải có các cơ chế, chính sách thông thoáng và trải thảm hút vốn tư nhân.

NHIỀU SINH VIÊN TRỄ TỐT NGHIỆP VÌ CHUẨN ĐẦU RA NGOẠI NGỮ

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là quy định được áp dụng nhiều năm nay ở bậc Đại học. Tuy vậy, trình độ ngoại ngữ của sinh viên vẫn chưa đồng đều.

Theo bài viết trên báo Lao động, Hiện các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Tùy theo điều kiện từng trường với đặc thù khối ngành đào tạo mà chuẩn đầu ra tiếng Anh, sinh viên phải đạt là B1 theo khung tham chiếu châu Âu, điểm IELTS từ 4.5 - 6.5 hay TOEIC từ 450 - 550. Điều đáng nói là dù chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhiều trường đưa ra so với thang bảng so sánh mức điểm chuẩn của châu Âu chỉ ở mức trung bình, nhưng vẫn có không ít sinh viên gặp khó trong việc hoàn thành chuẩn theo quy định.

Hải Yến