Điểm báo: Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội - mòn mỏi chờ môn thi thứ 4

Mạnh tay xử lý “ma men”: Bền bỉ để tạo hiệu quả lâu dài; Gói tín dụng làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: 120.000 tỷ đồng lấy từ đâu?; Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Không nên có mức chiết khấu xăng dầu tối thiểu; Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Mòn mỏi chờ môn thi thứ 4... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 21/2.

MẠNH TAY XỬ LÝ “MA MEN”: BỀN BỈ ĐỂ TẠO HIỆU QUẢ LÂU DÀI

Thời gian qua, việc các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tài xế điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn khiến người dân yên tâm hơn khi di chuyển trên đường. Những ngày gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã giảm. Vì vậy, để duy trì hiệu quả lâu dài cần có sự bền bỉ trong tuyên truyền và xử phạt. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng đã gây được nhiều ấn tượng với người dân trong công tác kiểm tra, xử phạt đối với tài xế vi phạm về nồng độ cồn. Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), từ ngày 14/12/2022 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng. Sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông đã làm cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhanh chóng được “phủ sóng” đến người dân.  

GÓI TÍN DỤNG LÀM NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN: 120.000 TỶ ĐỒNG LẤY TỪ ĐÂU?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng. Về việc này, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần làm rõ nguồn vốn tín dụng từ đâu để có chính sách giải ngân hiệu quả.

Theo bài viết trên báo Nông thôn Ngày nay, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện, như: Vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa...

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan. Trong đó, ưu tiên chính sách, điều kiện ưu đãi cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cần có chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư sao cho đa dạng về diện tích và chất lượng nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm thu nhập khác nhau. 

BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ: KHÔNG NÊN CÓ MỨC CHIẾT KHẤU XĂNG DẦU TỐI THIỂU

Không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết của doanh nghiệp, giảm can thiệp Nhà nước vào hoạt động kinh doanh. Bài viết đáng chú ý trên báo điện tử VnExpress.

Theo dự thảo tờ trình sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thống nhất không nên quy định chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết, điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, việc không quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Quan điểm này ngược với ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính và VCCI. Các cơ quan này cho rằng, cần bổ sung quy định tỷ lệ % nhất định mức chiết khấu trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Đây là mức thù lao tối thiểu để đại lý bán lẻ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ. 

THI VÀO LỚP 10 THPT TẠI HÀ NỘI: MÒN MỎI CHỜ MÔN THI THỨ 4

Trong khi nhiều địa phương đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 với 3 môn thi, thậm chí có địa phương không tổ chức thi thì Hà Nội vẫn chưa có thông tin chính thức về môn thi thứ 4 dù học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thời điểm này đang rất sốt ruột và lo lắng chờ đợi.

Theo bài viết trên báo Đại Đoàn Kết, việc thành phố Hà Nội chưa có phương án tuyển sinh khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng bởi kỳ thi này vốn được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Để chuẩn bị cho kỳ thi, nhiều học sinh phải ôn luyện đến quên ăn, quên ngủ, học thêm 3-4 ca mỗi ngày. Dưới góc độ học sinh, phụ huynh và giáo viên đều mong muốn các em được giảm bớt gánh nặng học tập, thi cử bằng cách chỉ thi 3 môn là đủ. Việc bỏ môn thi thứ 4 lúc này là phù hợp. Nếu phải thi thêm một môn, học sinh sẽ ôn tập nhiều hơn, dễ xảy ra tình trạng học đối phó, học thuộc lòng, không nắm bắt được kiến thức.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam