Điểm tin quốc tế 4/5: Nga đáp trả phương Tây bằng một loạt các lệnh trừng phạt

Nga đáp trả phương Tây bằng một loạt các lệnh trừng phạt; Anh cam kết viện trợ quân sự 375 triệu USD cho Ukraine; Hàn Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia CPTPP; EU có kế hoạch cắt giảm các xét nghiệm y tế không cần thiết; Ấn Độ: Ít nhất 25 người chết do nắng nóng,... là những tin quốc tế nổi bật có trong điểm tin quốc tế ngày 4/5.

NGA ĐÁP TRẢ PHƯƠNG TÂY BẰNG MỘT LOẠT CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT

Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 3/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động Moscow coi là thiếu thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế.

TASS cho biết văn bản được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức nghiêm cấm việc thực hiện nghĩa vụ và ký kết giao dịch với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài theo các biện pháp hạn chế trả đũa cũng như xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm từ Nga vì lợi ích của các cá nhân này. Theo sắc lệnh, các biện pháp này được thực hiện nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga “do các hành động không thân thiện đi ngược lại luật pháp quốc tế của Hoa Kỳ và các quốc gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã nhằm vào việc tước đoạt bất hợp pháp quyền sở hữu và hạn chế quyền tài sản của Liên bang Nga, các công dân của Liên bang Nga và các pháp nhân Nga”.

ANH CAM KẾT VIỆN TRỢ QUÂN SỰ 375 TRIỆU USD CHO UKRAINE

Theo Interfax Ukraine, Anh cho biết sẽ cung cấp thêm 375 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Cụ thể, lô viện trợ mới sẽ bao gồm thiết bị tác chiến điện tử và hệ thống radar đối kháng. London cũng đề nghị cung cấp thiết bị nhìn đêm, công cụ gây nhiễu định vị vệ tinh, máy bay không người lái hạng nặng và xe bọc thép. Trước đó, Anh đã chuyển giao hơn 5.000 tên lửa chống tăng và 5 hệ thống phòng không cho Ukraine trị giá 200 triệu bảng.

HÀN QUỐC KHẲNG ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC THAM GIA CPTPP

Theo Yonhap, ngày 3/5, trong phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc, người được đề cử là Thủ tướng - ông Han Duck-soo ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ứng cử viên Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu Hàn Quốc không tham gia Hiệp định Thương mại tự do lớn liên quan đến 11 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương. Yonhap dẫn lời ông Han Duck-soo cho rằng: “Mở cửa thị trường cho các quốc gia khác là mở rộng lãnh thổ kinh tế tổng thể của chúng ta. Nếu chúng ta bị loại khỏi thương mại tự do đa phương, chúng ta sẽ mất vị thế của mình”. CPTPP bao gồm 11 quốc gia, trong đó có Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico và Việt Nam. CPTPP chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (đạt 5,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020).

EU CÓ KẾ HOẠCH CẮT GIẢM CÁC XÉT NGHIỆM Y TẾ KHÔNG CẦN THIẾT

Theo Reuters, Ủy ban Châu Âu muốn giúp bệnh nhân, bác sĩ, cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu truy cập dữ liệu y tế dễ dàng hơn trong nỗ lực cải thiện chẩn đoán, cắt giảm chi phí không cần thiết do trùng lặp các xét nghiệm y tế và thúc đẩy nghiên cứu y học. Dự thảo kế hoạch của Ủy ban Châu Âu phác thảo kế hoạch của các nhà điều hành EU về một không gian dữ liệu y tế Châu Âu mà Brussels ước tính sẽ dẫn đến tiết kiệm một khoản chi phí lớn và thu được lợi nhuận kinh tế hơn 10 tỷ euro trong 10 năm. 

Tài liệu cho biết, người bệnh tại EU chi 1,4 tỷ euro mỗi năm cho các hình ảnh y tế không cần thiết, ước tính rằng 1/10 không cần chụp X-quang hoặc siêu âm vì chúng thường bị trùng hợp với các hình ảnh đã có. Sự gia tăng của các xét nghiệm không cần thiết và các loại thuốc được kê đơn phần lớn là do vấn đề truy cập dữ liệu y tế, bởi vì bệnh nhân thường không thể truy cập thông tin y tế và các bệnh viện chỉ chia sẻ một phần dữ liệu với nhau. EU tin rằng họ có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm cho dữ liệu dễ tiếp cận hơn đối với bệnh nhân thông qua việc tạo ra các cơ sở dữ liệu có thể truy cập trực tuyến miễn phí.

ẤN ĐỘ: ÍT NHẤT 25 NGƯỜI CHẾT DO NẮNG NÓNG

Bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do nắng nóng kể từ cuối tháng 3, con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Channel News Asia cho biết, các nhà khoa học cho rằng sự khởi đầu sớm của một mùa hè nắng nóng gay gắt liên quan tới biến đổi khí hậu và cho biết hơn 1 tỷ người ở Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan ở một khía cạnh nào đó dễ bị tổn thương bởi cái nóng khắc nghiệt. Theo giới chức bang Maharashtra, những người chết vì nắng nóng chủ yếu ở vùng nông thôn. Quan chức y tế bang cho biết, đây là những ca tử vong nghi do đột quỵ vì nắng nóng.

XU HƯỚNG NGHỈ VIỆC TỰ KHỞI NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một trào lưu mới đã diễn ra từ Châu Mỹ, Châu Âu đến Châu Á với tên gọi chung là trào lưu "nghỉ việc ồ ạt". Có nhiều nguyên nhân liên quan trực tiếp tới trào lưu do dịch Covid-19 như: biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng… 

Tuy nhiên trào lưu này cũng giúp nở rộ các doanh nghiệp tự khởi nghiệp mới.Trong hai năm qua, sự xuất hiện và lan rộng của Covid-19 đã khiến chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm. Các đợt phong tỏa đã dẫn đến cái được gọi là làn sóng nghỉ việc ồ ạt hay đại khủng hoảng lao động - một xu hướng đang diễn ra khi hàng triệu người tự nguyện nghỉ việc. Hiện tượng này được cho là do lương trì trệ, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, sự bất mãn trong công việc và những lo ngại về an toàn do đại dịch mang lại. 

Một số người đã ví làn sóng này giống như một cuộc tổng đình công. Tuy nhiên theo South China Morning Post, làn sóng này cũng đã giúp khai sinh ra một thời kỳ phục hưng kinh doanh lớn, dẫn đến việc đăng ký kinh doanh kỷ lục của các công ty mới ở cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Điều này nên được tôn vinh, mặc dù có những thất bại không thể tránh khỏi khi bắt đầu sự nghiệp hoặc dự án mới.

Bối cảnh khởi nghiệp của Châu Á rõ ràng đã thành công. Khu vực này có tỷ trọng đầu tư lớn nhất, với tỷ trọng thỏa thuận toàn cầu là 36% trong quý 4 năm 2021. Một thành viên cấp cao trong nhóm chiến lược của Microsoft Châu Á gần đây đã lưu ý rằng Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đang chứng kiến sự xuất hiện của các doanh nghiệp kỳ lân – những công ty khởi nghiệp trị giá 1 tỷ đô la Mỹ mỗi tuần.

India Times trích dẫn số liệu của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho biết vào tháng 11/2021, 4,5 triệu người tự nguyện rời bỏ công việc của họ, tương đương 3% lực lượng lao động bỏ việc mỗi tháng, đây là “mức cao nhất mọi thời đại”. Hơn nữa, 23% lực lượng lao động bày tỏ mong muốn chuyển đổi công việc vào năm 2022.

Lực lượng lao động có tay nghề cao đã bị thu hẹp ở nhiều nước Trung và Đông Âu. Sau khi trải qua các đợt phong tỏa do đại dịch, nhiều người bắt đầu coi việc sống "không công việc" là một lựa chọn khả thi. Theo ước tính, những người lao động được trả lương thấp đã nghỉ việc với tỷ lệ cao hơn so với những người được trả lương cao hơn. Sau nhiều thập kỷ lương trì trệ và ngày càng giảm, người lao động đang đẩy lùi tình trạng thiếu lương khi họ rời bỏ công việc lương thấp để chuyển sang công việc lương cao hơn. 

Vân Hương