• 1228 lượt xem
  • 05:29 19/05/2022
  • Kinh tế

Diễn đàn kinh tế: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bài toán phát triển bền vững

Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.Vậy trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để thị trường này phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng?

 

Cùng với cổ phiếu và dịch vụ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2017 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9%, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP thì giai đoạn 2019-2020, thị trường này đã phát triển bùng nổ: đạt 15,75% GDP vào cuối năm 2020, gấp 4 lần quy mô thị trường năm 2016. Luỹ kế trong quý I/2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng.

Phát hành trái phiếu đã dần trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp, các ngân hàng từng bước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định . Dù đã có những bước phát triển, tuy nhiên, thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay vẫn còn rất non trẻ và còn nhiều dư địa để phát triển.

Đối với thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), định hướng đặt ra là phát triển cả về quy mô và chiều sâu, đa dạng hoá sản phẩm, phát triển các sản phẩm trái phiếu xanh; tăng tính minh bạch của thị trường TPDN riêng lẻ; thúc đẩy các DN phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn. Với định hướng trên, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 25% GDP. Các chuyên gia khẳng định, nhà đầu tư không nên quá hoảng sợ vì về cơ bản doanh nghiệp khi phát hành TPDN đều phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu của thị trường, yêu cầu của cơ quan quản lý, sẽ không có trường hợp đổ vỡ xảy ra.

 
Cùng bàn luận chủ đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã mời đến trường quay 2 vị khách mời: 

TS LÊ XUÂN NGHĨA, Chuyên gia Kinh tế

Ông NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính

Mời quý vị theo dõi chương trình

Dương Dung