Đối thoại chính sách: Gắn kết cung cầu hàng hoá cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương

Thời gian qua, thành phố Hà Nội nổi lên là điểm sáng trong việc thực hiện gắn kết cung cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các địa phương trên cả nước đến với người dân thủ đô Hà Nội. Thông qua những hội nghị kết nối cung cầu nhiều đặc sản vùng miền của các HTX trên cả nước đã đến với Hà Nội góp phần tạo ra không gian trao đổi, mua bán giữa các doanh nghiệp với nhà sản xuất, cung ứng trong nước.

Ðây cũng là tiền đề quan trọng hỗ trợ các loại đặc sản, nông sản thực phẩm an toàn của các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu… Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, UBND thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, hiện nay TP. Hà Nội có 39 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...; xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; thí điểm cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính vì vậy trong những năm qua Hà Nội luôn là điểm đến, nơi găn kết giao thương của nhiều mặt hàng chủ lực trong đó có nông sản. Đặc biệt, Sau gần 10 năm triển khai, Hội chợ vùng miền tại Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả chất lượng và số lượng. Hội chợ trở thành địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong ngoài nước đến tham quan, mua sắm; các nhà phân phối, chợ đầu mối...tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa, -tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. 

Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng lên về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch có uy tín cao, có tính lan tỏa, được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá cao.

Diệu Huyền