Đơn vị sự nghiệp công lập không được quyền thế chấp, cầm cố đất

Lý do chính của việc chưa đủ cơ sở để thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là bởi nhiều nội dung còn 2 phương án. Do đó, trong buổi làm việc sáng 16/11, Thường vụ tập trung cho ý kiến vào các nội dung này nhằm tạo sự đồng thuận về một phương án có tính thuyết phục cao nhất. Đáng chú ý có nội dung về các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm hay các doanh nghiệp công an, quân đội có được cầm cố, thế chấp tài sản gắn liền với đất hay không?

Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo trình 2 phương án:

Phương án 1: KHÔNG ĐƯỢC quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.

Phương án 2: Là  ĐƯỢC QUYỀN bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.

Chính phủ đề xuất phương án 2. Ngược lại, Thường trực Ủy ban Kinh tế lại ủng hộ phương án 1.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý kiến dứt khoát phải chọn phương án 1 để bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng. Trong khi, việc mở như phương án 2 là không thể kiểm soát được tài sản công là đất đai.

Cũng là quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, dự thảo luật cũng thiết kế 2 phương án: Phương án 1 là không cho phép thế chấp, góp vốn. Và phương án 2 là cho phép. Tuy nhiên, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất chỉ được thực hiện trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Về nội dung này, Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ phương án 2 cho phép cầm cố, thế chấp. Với lý do, bản chất DN cần linh hoạt hơn đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là phương án này mở nhưng có khoanh trong phạm vi kiểm soát được, không tràn lan.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam