Gia hạn Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ là "câu giờ", không phải giải pháp căn cơ

Chiều 31/3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp Phiên toàn thể thẩm tra tờ trình của Chính phủ về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá 3 năm thực hiện, Nghị quyết 42 vẫn hoàn toàn đúng định hướng, có tác động tích cực, tỷ lệ nợ xấu đã giảm, ý thức trách nhiệm của người vay tiền đã tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số vướng mắc cần xem xét tổng kết để xử lý, nhằm xử lý hiệu quả hơn nợ xấu. Chính phủ đề nghị được kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 42 trong thời hạn 2 năm, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài mà chỉ là giải pháp tình thế.

Ngân hàng nhà nước cho biết, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỉ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017. 

Nghị quyết số 42 kéo dài 5 năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8/2022 nên toàn bộ cơ chế về xử lí nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng/VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Vì vậy, Chính phủ đề nghị được kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 trong thời hạn 2 năm, từ ngày 16/8/2022 đến hết ngày 15/8/2024, đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.

Hiện các tổ chức tín dụng rất băn khoăn là nếu không sửa đổi nội dung Nghị quyết 42 mà chỉ kéo dài thì đã phù hợp chưa, có khả thi để xây dựng khuôn khổ pháp luật mới về xử lí nợ xấu hay không. Các đại biểu cho rằng cần hoàn thiện hơn chính sách xử lý nợ xấu, bởi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng và sẽ luôn song hành với nền kinh tế chứ không chỉ với hoạt động ngân hàng và chỉ có thể điều chỉnh bằng luật riêng và cần thiết ban hành Luật Xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc gia hạn chỉ là “câu giờ”, chứ không phải là giải pháp căn cơ.

Ông CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia: “Nêu vướng mắc mà không giải quyết thì việc gia hạn chỉ là câu giờ, dứt khoát nên xử lí vướng mắc, điều chỉnh Nghị quyết 42. Đề nghị nội dung nào thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình Quốc hội, còn vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ  thì Chính phủ xử lý."

Ông ĐỖ VĂN SINH, Chuyên gia kinh tế: “Lẽ ra khi sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 cần có ngay chương trình xây dựng luật để xử lý nợ xấu thì đã không bị động như hôm nay.”

Bà PHẠM MAI SƯƠNG, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng: “Đề nghị cần kéo dài ba năm như đề xuất gần đây của Ngân hàng Nhà nước… Nếu áp đặt sau hai năm phải ra được luật về xử lý nợ xấu trong bối cảnh Quốc hội một năm chỉ họp hai kỳ thì có thể sẽ quá gấp gáp, dẫn đến không đảm bảo chất lượng. Dự án luật nên mở rộng hơn, xử lý toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế chứ không chỉ của các tổ chức tín dụng."

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu mới chồng nợ xấu cũ. Tổ chức tín dụng sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn vì khách hàng trây ỳ trả nợ, quá trình xử lý nợ kéo dài vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến tỉ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã tăng trở lại mức 7,31% vào cuối năm 2021.

Thế Anh