Gia Lai: Cha mẹ bất lực khi con muốn “chín sớm”

Nạn tảo hôn tại tỉnh Gia Lai có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua nhất là trong đồng bào Dân tộc thiểu số. Điều đáng nói đây không phải hậu quả của phong tục tập quán lạc hậu mà do chính những đứa trẻ vị thành niên mong muốn, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang tích cực vào cuộc, nhằm ngăn chặn tình trạng gây nguy hại đến chất lượng giống nòi và kìm hãm sự phát triển của xã hội. Ghi nhận tại Tây Nguyên.

Trong phong tục của người đồng bào Jrai thì phụ nữ là trụ cột quyết định mọi việc kể cả hôn sự cho con cái, nhưng bà Rơ Chăm H’Lit, trú tại làng Yăng 3, xã IA Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai không thể ngăn cản con gái bà bỏ học, bỏ nhà chạy theo tiếng gọi của tình yêu khi còn đang học lớp 10 và chưa tròn 16 tuổi. Mọi nỗ lực khuyên bảo của gia đình hai bên và chính quyền địa phương đều trở nên vô nghĩa đối với nhận thức chưa đầy đủ của hai đứa trẻ vị thành niên này.

Điều đáng nói đây không phải trường hợp duy nhất, theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, năm 2022 số cặp tảo hôn là 952 cặp, tăng cao so với năm 2021 là 880 cặp, hiện tượng này đã xoá nhoà những nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn do hủ tục lạc hậu suốt nhiều năm qua của tỉnh Gia Lai.

Nhận thấy nạn tảo hôn gia tăng do nhận thức chưa đầu đủ của chính những đứa trẻ vị thành niên, trong năm 2023 các cơ quan chức năng đã phải tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật, sức khoẻ sinh sản, cách tiếp cận và chọn lọc các thông tin trên mạng xã hội,.. tại các buôn làng, trường học, tập trung vào nhóm con em người đồng bào DTTS độ tuổi từ 16-18 nhằm kéo giảm tình trạng bỏ học sa đà vào yêu đương và đòi hỏi kết hôn quá sớm khiến chất lượng giống nòi bị suy giảm và tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội khi các em còn ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Ngọc Duy -

Đình Đại