Gỡ nút thắt "đường nằm chờ vật liệu"

Thực hiện chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng Quốc gia, tuần qua, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã có 1 tuần làm việc cao điểm, khẩn trương và hiệu quả.

Đoàn đã chia thành 4 tổ công tác tới gần 10 tỉnh, thành trên cả nước, khảo sát thực địa và làm việc với UBND các địa phương và đại diện các cá nhân, đơn vị là đối tượng thụ hưởng các chính sách đặc thù trong diện giám sát. 

VẪN NÓNG TÌNH TRẠNG "ĐƯỜNG NẰM CHỜ CÁT" TẠI ĐBSCL

Liên quan đến các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, một vướng mắc nổi bật được các địa phương và doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu long tập trung kiến nghị với đoàn giám sát là thiếu cát đắp nền nghiêm trọng, gây ra tình trạng ỳ trệ tiến độ thi công. Theo chân tổ công tác số 2 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh dẫn đầu, phóng viên THQHVN ghi nhận tại các dự án thành phần của các tuyến cao tốc đi qua Cần Thơ - Sóc Trăng thì tình trạng phổ biến là "đường mòn mỏi nằm chờ cát".  

Khu vực khảo sát dự án Thành phần 2 đường Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Thành phố Cần Thơ cho biết dự án được áp dụng chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội là không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nhờ đó, thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ tương đối thuận lợi.

Thủ tục thì đã được rút ngắn nhưng hiện khó khăn nhất của đơn vị thi công là thiếu hụt nguồn cát đắp nền. Theo tính toán, riêng đoạn cao tốc qua thành phố Cần Thơ cần đến 7 triệu m3 cát. Đơn vị thi công đang chờ tỉnh An Giang hỗ trợ.

Tại nhiều đoạn tuyến, khuôn đường đã được đơn vị thi công hoàn thành đến 90%. Nhưng vì nền đường còn mòn mỏi chờ cát ... gần nửa năm bỏ không, những khóm lúa sót lại đã kịp trổ bông.

Tương tự, dự án thành phần đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng cũng thiếu cát nghiêm trọng. Nhà thầu chỉ có thể tập trung làm đường công vụ và chờ đợi cát hơn nửa năm nay.

Không thể để kéo dài tình trạng "đường nằm chờ cát", đoàn giám sát đề nghị các địa phương báo cáo rõ sự chủ động của mình trong việc tìm phương án tháo gỡ, đặc biệt sự phối hợp với các tỉnh lân cận. 

Đoàn giám sát cũng ghi nhận đề xuất của các địa phương về phương án khai thác sử dụng cát biển thay thế cát sông vốn đang thiếu nghiêm trọng.  

ĐẮK LẮK: KHÔNG QUY TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ, MỎ VẬT LIỆU VẪN CHỜ CẤP PHÉP 

Nếu như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tình trạng “đường nằm chờ cát” thì dự án cao tốc Khánh Hoà- Buôn Ma Thuột lại là tình trạng “đường chờ mỏ vật liệu”, “đường chờ bãi thải vật liệu”. 

Theo chân Tổ công tác số 4 của đoàn giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy dẫn đầu đến Đắk Lắk, nhóm phóng viên của THQH ghi nhận vẫn còn sự lúng túng của địa phương trong giải quyết vướng mắc: có sẵn mỏ vật liệu, nhưng chưa thể cấp phép khai thác và cũng chưa có bãi đổ thải vật liệu. Nguyên nhân nằm ở việc địa phương việc chưa quy trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể để giải quyết vướng mắc này.  

Dự án thành phần 3, cao tốc Khánh Hoà- Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk hiện đã bàn giao 98% mặt bằng sạch, huy động hơn 200 thiết bị, và 36 mũi thi công  trên công trường. Tuy nhiên theo báo cáo tại hiện trường, vướng mắc lớn nhất, gây chậm tiến độ dự án hiện nay là chưa có mỏ vật liệu và bãi đổ thải vật liệu. 

Các vướng mắc nóng từ công trường này đã được đoàn giám sát chất vấn trực diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong cuộc làm việc ngay sau đó. 

Trả lời về lý do chưa xong mỏ vật liệu, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk cho biết do mỏ vật liệu nằm ngoài phạm vi dự án được phê duyệt nên theo quy định, Nhà nước không thể thu hồi đất mà phải thoả thuận với người dân. Nhưng đến nay, nhà thầu vẫn chưa thoả thuận xong. 

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT lại cho rằng để có được mỏ vật liệu hay bãi đổ thải, trách nhiệm thoả thuận với người dân hoàn toàn thuộc về nhà thầu. Việc này cũng đã được tính toán trước khi bắt đầu dự án. 

Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhận định với 2 vướng mắc căn bản là chậm có mỏ vật liệu và bãi thải thì tỉnh cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho các bên liên quan. Có như vậy mới có thể xử lý rốt ráo các vướng mắc này, để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án cao tốc Khánh Hoà- Buôn Ma Thuột.  

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CAO TỐC BIÊN HÒA - VŨNG TÀU

Trái ngược với một số địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thi công, dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại ghi nhận tiến độ vượt trước kế hoạch 3 tháng. Đây là công trình giao thông quan trọng Quốc gia dài 53km, được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 và 2 nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và dự án thành phần 3 thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 

Theo nhận định của đoàn giám sát, trong 3 dự án thành phần thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện tốt nhất, do biết tận dụng tốt cơ chế đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội và chủ động trong phương án thi công. Ghi nhận của PV THQHVN. 

15 mũi thi công, 350 máy móc thiết bị và 500 kỹ sư, công nhân tại công trường. Tất cả các đơn vị thi công đang tăng 3 ca, 4 kíp để đảm bảo tiến độ hoàn thành việc đắp nền trước mùa mưa. Đến nay, tiến độ thi công đã đạt 99%. Kết quả này nhờ dự được áp dụng chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội: không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nhận diện những khó khăn chung về nguồn vật liệu đắp nền,  tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã vận dụng triệt để chính sách đặc thù của Quốc hội để mở những điểm mỏ mới trong khu vực nhà nước quản lý, từ đó, đã đảm bảo nguồn cung vật liệu xuyên suốt với chi phí ổn định.

Cũng theo UBND tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, động lực để địa phương thúc đẩy triển khai dự án là vì tính kết nối đặc biệt của tuyến giao thông quan trọng quốc gia này. 
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã có chủ trương xây dựng từ 2009, đến nay, khi hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 51 giữa Vũng Tàu với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và phía nam nói chung.

Sự đồng bộ của trục cao tốc Bắc Nam phía Đông và hệ thống giao thông kết nối vùng trong thời gian tới không chỉ kéo các tỉnh, thành phía Nam gần nhau hơn mà còn góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia cạnh tranh quốc gia, tạo không gian rộng mở cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy hiệu quả những ưu thế  của từng địa phương.
Đoàn giám sát nhận định: Vì mục tiêu chung này, cần sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ hơn nữa của tất cả các địa phương có tuyến giao thông trọng điểm quốc gia này đi qua.

Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng ở các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL là thực trạng chung khi các dự án giao thông trọng điểm đang đồng loạt triển khai và tăng tốc. Tuy nhiên, qua khảo sát, đoàn giám sát ghi nhận vẫn có những tỉnh khắc phục tốt hơn tình trạng thiếu hụt này nhờ vận dụng tối đa các chính sách đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội cùng với sự chủ động, linh hoạt từ địa phương. 

Các vấn đề, vướng mắc cụ thể tại từng địa phương đã được đoàn giám sát chất vấn để làm rõ và đề nghị có các giải trình cụ thể hơn bằng văn bản. Trong tuần tới, dự kiến đoàn giám sát sẽ tiếp tục khảo sát tại dự án Vành đai 4 Hà Nội và làm việc với UBND Thành phố Hà Nội trước khi chuyển sang chương trình giám sát với Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan trung ương. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga -

Công Tràng -

Ngọc Tuấn -

Nguyễn Duyên -

Như Huỳnh