Góc nhìn hôm nay: Cơ hội nào để Lịch sử được lựa chọn?

Từ những ngày cuối tháng 4, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội đã có nhiều ý kiến bình luận, thậm chí tranh cãi khi Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thuộc tổ hợp môn Khoa học xã hội kể từ năm học 2022 - 2023. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải trình, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

BĂN KHOĂN LỊCH SỬ THÀNH MÔN TỰ CHỌN 

Hiểu được rằng việc phân hóa như chương trình mới sẽ giúp giảm tải áp lực cho học sinh, nhưng là giáo viên Lịch sử, cô Phương Thảo ít nhiều băn khoăn.

Cô PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Lợi, Hà Nội: Đúng là 1 giáo viên Lịch sử như tôi, không phải bây giờ mà nhiều lần đã cảm thấy chạnh lòng khi học sinh ít chọn môn Lịch sử. Tôi cũng lo lắng nếu các em ít chọn môn Lịch sử".

Từ phía học sinh, có nhiều em vẫn rất đam mê môn Lịch sử. Tuy nhiên, nếu sắp tới được chọn, các em sẽ phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác bên cạnh niềm đam mê của mình.

Em TRẦN KHÁNH LINH - học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: Em nghĩ, nếu lựa chọn môn Lịch sử thì phạm vi chọn nghề cũng khá hẹp, nên hơi khó…”.

Em ĐỖ VŨ MINH ANH - học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: Đối với em, Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn mang giá trị tinh thần của dân tộc Việt. Dân tộc nào mà không biết lịch sử thì sẽ không thể phát triển được".

Tiếc nuối là tâm trạng chung khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn. Tuy nhiên, những lo lắng này cũng chỉ ra thực tế rằng môn Lịch sử chưa thực sự thu hút người học.

Thầy LÊ XUÂN TRUNG - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Mình cũng trao đổi, thống nhất với hội đồng sư phạm nhà trường cố gắng phân tích, khuyến khích, động viên các con để có nhiều con lựa chọn tự học môn Lịch sử. Tới đây, bên cạnh sự đổi mới chương trình và sách, nhà trường cũng chuẩn bị cho giáo viên của mình đổi mới phương pháp giảng dạy gây nhiều hứng thú hơn".

Trên một số diễn đàn giáo viên và nhà quản lý giáo dục, nhiều ý kiến lo ngại, việc đưa Lịch sử vào môn tự chọn có thể "xóa sổ" môn học này bởi lâu nay học sinh vốn đã "sợ" môn Lịch sử. Và thực tế, chúng ta đã thấy là điểm số môn Lịch sử rất thấp trong nhiều kỳ thi THPT quốc gia, hay tình trạng một bộ phận lớp trẻ thiếu kiến thức về lịch sử nước nhà. 

Trước những ý kiến này, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT đã giải trình rằng, việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn từ ở bậc Trung học phổ thông bởi với cách bố trí như hiện nay, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử, và ở cấp học Trung học cơ sở - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9).

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢNG DẠY LỊCH SỬ BẰNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, các em học sinh Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ không chỉ được tham quan căn cứ Vườn Mận, một khu di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của thành phố, mà còn được các thầy cô giảng dạy về lịch sử gắn liền với địa điểm này. Qua cách tiếp cận này, các em học sinh được “cảm nhận” lịch sử một cách trực tiếp hơn so với các buổi học trên lớp chỉ với  những trang sách”.

Em Huỳnh Thanh Hòa  - lớp 6, Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ:‎ “ So với học ở lớp, được đi tham quan ở đây em thấy rất vui và thích thú, tiếp thu được nhiều kiến thức hay hơn”.

‎ Đây là  buổi học ngoại khóa lịch sử địa phương của các em học sinh khối 5, Trường Tiểu học An Thới 1 tại ngôi chùa Nam Nhã -  một  di tích lịch sử đã đồng hành với người dân địa phương trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những hình ảnh, hiện vật thực tế, thông qua sự dẫn dắt, giới thiệu của đại diện nhà chùa đã tạo nên một tiết Lịch sử  địa phương sinh động cho các em học sinh.

Ông Hồ Minh Phong - Trưởng Ban trị sự Nam Nhã Phật đường, chùa Nam Nhã, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ: Trong quá trình tham quan tại đây, các em học sinh được chia sẻ, giới thiệu về quá trình chùa đóng góp vào phong trào Đông Du trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để các em có thể thấy được lịch sử hào hùng, những thời điểm, quá trình đấu tranh đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam trong giành lại độc lập chủ quyền dân tộc”.

‎ Mỗi tháng, Trường Tiểu học An Thới 1 sẽ có một chủ đề ngoại khóa gắn với từng địa điểm khác nhau để các em tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương. Điều này không chỉ tạo sự hào hứng, thú vị cho các học trò mà còn nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của phụ huynh. 

Bà Trần Thị Thùy Liên -  Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ:‎ "Hiện tại, các em rất sợ môn Lịch sử. Hiểu, cảm được điều đó nên tổ bộ môn của trường thường tổ chức các hoạt động thu hút các em".

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua chuyến đi thực tế không chỉ  giúp các em học sinh được tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn mà còn  có vai trò quan trọng trong “kết nối” các em với nguồn cội quê hương của mình.  

Qua hình thức dạy và học môn Lịch sử ở cấp tiểu học và Trung học cơ sở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, có thể thấy, việc truyền tải lịch sử địa phương giúp các học sinh am hiểu thực tế, kiến thức, mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên qua hình thức giáo dục trải nghiệm thực tế, ngoại khóa ở các di tích lịch sử, đình, chùa là cách mà ngành giáo dục địa phương khơi gợi tình yêu lịch sử địa phương nói riêng và môn Lịch sử nói chung cho học sinh. 

Thiết kế của chương trình phổ thông mới đã có sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn Lịch sử, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam. Trước sự quan tâm của dư luận về vấn đề môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, hay ý kiến lo ngại nếu học sinh không chọn môn học này sẽ thiếu hụt kiến thức về truyền thống hay lòng yêu nước, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn! 

PV ĐỖ MINH: Từ quan điểm của người biên soạn chương trình, ông có thể chia sẻ lý do vì sao đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn?

GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: “Cả 3 văn bản là Nghị quyết 29 của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông và Quyết định số 104 của Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa bậc phổ thông đều khẳng định giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 là 9 năm, gồm Tiểu học và Trung học cơ sở. Đây là giai đoạn giáo dục cơ bản, phổ cập bắt buộc. Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm phổ thông. Đây là giai đoạn giáo dục không bắt buộc, không phổ cập. 

Như vậy, Chương trình của giai đoạn Trung học phổ thông phải khác với cái chương trình giai đoạn giáo dục cơ bản. Đây là chương trình định hướng nghề nghiệp và các cái nghị quyết, quyết định cũng đều nói rõ là phải tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp sớm, giảm số môn bắt buộc, tăng số môn tự chọn. Trước kia chúng ta phân hoá cứng, giờ là phân hoá mềm, tức ngoài một số môn bắt buộc phải học sinh được quyền lựa chọn các môn theo định hướng nghề nghiệp của mình".

PV ĐỖ MINH: Có một số ý kiến cho rằng khi môn Lịch sử không được dạy bắt buộc, nhiều học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử và điều này dẫn tới thiếu hụt kiến thức về truyền thống và lòng yêu nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: “Nói thế là không đúng bởi học sinh đã hoàn thành chương trình phổ cập 9 năm rồi, đã có những kiến thức tối thiểu, kỹ năng tối thiểu mà mọi công dân có trình độ trung học cơ sở phải biết. 

Cái thứ hai là chúng ta giáo dục lòng yêu nước không phải chỉ có môn Lịch sử mà qua rất nhiều môn khác. Giáo dục lịch sử thông qua môn Ngữ văn, thông qua Âm nhạc, thông qua Mỹ thuật, thông qua Đạo đức, thông qua Giáo dục công dân, thông qua cả môn Tự nhiên và Xã hội… chứ không phải mình chỉ có mỗi môn lịch sử nhận nhiệm vụ giáo dục lòng nhà nước. 

Chúng tôi xin khẳng định, nếu học sinh mong muốn lựa chọn, học sinh vẫn được học, không ai cấm học sinh học và các vị phụ huynh hiện nay đang cổ vũ cho việc bắt buộc dạy môn Lịch sử thì tôi mong sắp tới, khi con em chúng ta bắt đầu lớp 10, các vị hãy động viên con em mình, khuyến khích con em mình đăng ký học Lịch sử.

Thứ hai nữa là trong chương trình trung học phổ thông, Giáo dục quốc phòng, an ninh lại là một môn bắt buộc. Nội dung Giáo dục quốc phòng, an ninh cũng thực hiện giáo dục về yêu nước, giáo dục về lực lượng vũ trang, giáo dục, về các lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc rất sâu sắc chứ cũng không phải là không có”.

Năm học mới 2022 - 2023 đang khởi động, theo đó, giáo dục Trung học phổ thông có sự thay đổi mới trong chương trình cho học sinh lớp 10 nói riêng và toàn cấp học nói chung. Học sinh khóa 2007 sẽ là khóa đầu tiên được trải nghiệm quyền lựa chọn môn học và nội dung học với những tiêu chí là môn học yêu thích, thế mạnh hoặc góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 

Với cách lý giải của Bộ Giáo dục và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, các phụ huynh, các chuyên gia và nhiều cá nhân quan tâm đến bộ môn Lịch sử có lẽ cũng phần nào yên tâm rằng, lịch sử không hề bị lãng quên hay xem nhẹ. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để cách dạy và học môn Lịch sử thực sự hấp dẫn, hiệu quả; làm thế nào để các em học sinh thực sự yêu thích môn học này; làm thế nào để môn Lịch sử được nhiều học sinh lựa chọn ở cấp Trung học phổ thông?

Những vấn đề có liên quan đến môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được nêu ra và tháo gỡ tại cuộc Tọa đàm do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào đầu tuần tới.