Hà Nội chi 2 tỷ/năm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việc vẫn còn nhiều người tiêu dùng khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, nên chấp nhận thua thiệt, dẫn đến bị các nhà sản xuất, kinh doanh bất chính xâm phạm đến quyền lợi là do người tiêu dùng vẫn chưa  ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Quyền được khiếu nại là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhưng thực tế, nhiều người không sử dụng, dù mua phải sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng và không đúng như quảng cáo.

Chị HỒ NHẬT THU, Thành phố Hà Nội: “Mình chưa nắm được luật rõ ràng, nhìn thì đọc đấy thôi nhưng nếu mình đi mua về, nếu không ưng thì bỏ đi vì không biết tìm cơ quan chức năng nào để bảo vệ...”.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nhưng rất nhiều người, khi gặp các tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều “nhắm mắt bỏ qua” chứ không sử dụng quyền của mình một cách chính đáng. Điều này cho thấy, cách thức tuyên truyền vẫn còn hạn chế.

Ông TRẦN VĂN KHẢI, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Người tiêu dùng rất e ngại chuyện khiếu nại cho quyền lợi của mình, tình trạng này đã diễn ra, việc tuyên truyền rất là hình thức.”

Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: "Thành phố Hà Nội một năm dành khoảng 2 tỷ đồng cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi khẳng định chúng tôi làm rất tốt công tác tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng và nhận thức của doanh nghiệp hằng năm đã tăng lên rất rõ rệt bằng chứng là các vụ việc khiếu nại đến người tiêu dùng càng ngày càng giảm bớt và chỉ phát sinh trên một số ứng dụng mới như là điện tử".

Mặc dù Thành phố Hà Nội khẳng định chi 2 tỷ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng tính trên số dân thì mức chi này mới chỉ dừng ở 200 đồng/người tiêu dùng. Ghi nhận những tồn tại khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT cho rằng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng cũng như nhìn nhận rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông TẠ ĐÌNH THI, Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT của Quốc hội: Cần phải nhìn nhận những hạn chế, cái gì thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, thành phố, doanh nghiệp… hay người tiêu dùng.”

Thống kê cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, giải quyết, xử lý hành chính gần 100.000 vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, số tiền xử phạt hành chính hơn 460 tỷ đồng.

Vũ Hiếu