Hải Dương: Trùng tu di tích giữ lại giá trị văn hóa cho cộng đồng

Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh Hải Dương đã tập trung bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích theo đúng quy định pháp luật nhằm phát huy giá trị văn hóa của các di tích, di sản của địa phương. Tuy nhiên việc trùng tu, tôn tạo còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, cần sự chung tay góp sức của người dân.

Trong số hàng nghìn di tích gồm: đền, đình, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Đình Thạch Lỗi là một trong những ngôi đình cổ tiêu biểu của cả nước, có quy mô lớn theo kiểu tiền nhất hậu đinh. Ông Vỹ, Trưởng Ban khánh lễ đình làng thôn Thạch Lỗi cho biết Đình Thạch Lỗi được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, tức là cách đây khoảng hơn 400 năm, thờ Lý Quốc Bảo (cháu ruột của vua Lý Nam Đế) và phu nhân là bà Vũ Thị Hương. Năm 1996 được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trải qua nhiều năm Đình đã bị xuống cấp.

Mới đây, Đình Thạch Lỗi được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đầu tư hơn 300 triệu đồng, cùng với nguồn xã hội hóa của địa phương hơn 400 triệu để tu bổ, nâng cấp. Tuy nhiên, số lượng hạng mục xuống cấp nhiều, chất liệu gỗ thay thế phải là gỗ lim mới chắc bền, trong khi đó nguồn kinh phí ít ỏi nên vẫn hỏng phần nào tu bổ phần đó.

Không chỉ Đình Thạch Lỗi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng khá nhiều các di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt đã xuống cấp. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích gặp khó khăn do nguồn lực ngân sách địa phương có hạn, cần nguồn xã hội hóa từ người dân.

Hải Dương có hơn 2000 di tích đã được lập danh mục đề nghị bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Các di tích xuống cấp cần được đầu tư trung tu, tôn tạo đồng bộ để phát huy tốt các giá trị của di tích trong đời sống, bởi việc lưu giữ lại những giá trị văn hóa chỉ có ý nghĩa sâu sắc khi nó có giá trị trong đời sống cộng đồng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Quốc Hưng -

Hoàng Minh