Hoà Bình: Loay hoay sắp xếp cán bộ dôi dư sau sát nhập đơn vị hành chính

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tinh giản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực.

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương còn khó khăn liên quan công tác cán bộ, bởi đa phần những cán bộ dôi dư ở thời điểm này đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo bài bản. Do vậy mới đây khi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  tỉnh Hoà Bình đã kiến nghị với đoàn Giám sát việc kéo dài thời gian thực hiện việc tinh giản biên chế. 

17 năm thực hiện nhiệm vụ là công chức phụ trách lĩnh vực địa chính, nông nghiệp tại UBND xã Tân Mai, nay là xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, anh Lương Văn Nguyên cũng như nhiều cán bộ ở đây cũng không khỏi băn khoăn khi đến hết năm 2024 xã buộc phải thực hiện giảm 10 biên chế để về mức 21 biên chế theo tiêu chí chung của xã loại II. Băn khoăn là vậy nhưng anh cũng như nhiều cán bộ ở đây luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao để giúp xử lý công việc cho bà con nhân dân tốt nhất.

Anh LƯƠNG VĂN NGUYÊN, Xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình: “Địa bàn rộng, dân so với đồng bằng ít, nhưng địa hình khó khăn, tính giản đi thì bộ máy còn 21 công chức thì khối lượng công việc nó áp lực nhiều, đi cơ sở xóm xa, chi phí lúc xăng cao và ăn uống thì mất 100 nghìn thì so với lương cũng thấp, tuy nhiên mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.”

Dù đã linh hoạt trong luân chuyển, điều động cán bộ, công chức; thực hiện tạm dừng bầu, bổ nhiệm lãnh đạo, gắn với tinh giản biên chế thì việc sắp xếp cán bộ dôi dư vẫn là băn khoăn, trăn trở của nhiều lãnh đạo tại cơ sở, đặc biệt là với một xã đặc thù có diện tích rộng, nằm trong vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, điều kiện đi lại hết sức khó khăn.  

Ông ĐINH VĂN KIỆM, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình: “Bây giờ huyện là người tuyển dụng, xã là người dùng người, đánh giá cán bộ hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, bây giờ chả biết chuyển đồng chí nào, dưới góc độ địa phương chỉ làm công tác tuyên truyền thông, đề nghị cấp có thẩm quyền có hướng tháo gỡ cho địa phương.” 

Mặc dù tỉnh Hoà Bình đã có nhiều chính sách để giải quyết chế độ, hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư nghỉ việc sau khi sắp xếp  đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tuy nhiên dự kiến đến hết năm 2024, 65 cán bộ, công chức dôi dư chưa có phương án sắp xếp. Do vậy, tỉnh Hoà Bình cũng kiến nghị  kéo dài thời gian thực hiện sắp xếp.

Ông BÙI VĂN KHÁNH, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình: “Hoà bình đang có phương án giảm cán bộ dôi dư, tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, theo nghị quyết của UBTVQH thì đến hết năm 2024 thì phải về số lượng công chức ban đầu, từ số lượng gấp 2, gấp 3 mà chuyển về thì khó khăn, đến hết năm 2024 chúng tôi dôi dư khoảng 60 cán bộ, do vậy đề nghị với đoàn giám sát kiến nghị cho kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ.” 

Theo quy định, việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ được thực hiện đến năm 2024. Đây là một trong những mục tiêu hết sức khó khăn, khi mà số lượng công chức dôi dư đang còn nhiều. Do vậy, Đoàn Giám sát cũng ghi nhận ý kiến của địa phương, đồng thời cũng đề nghị địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể,  có chính sách phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi của cán bộ công chức góp phần ổn định bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.

Ngô Trang