Hoàn thiện thể chế về tái cơ cấu tổ chức tín dụng còn chậm

Liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng, tổng hợp báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết Kỳ họp thứ 4 cho thấy các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.

Một số ý kiến đặt câu hỏi về tiến độ xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua đã được kiểm soát một phần. Mặc dù vậy, việc tổng kết để đưa vào dự luật các tổ chức tín dụng sửa đổi các quy định, cơ chế đảm bảo xử lý dứt điểm việc thao túng, chi phối qua sở hữu chéo hay không thì vẫn chưa khẳng định được.  

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các trường hợp về sở hữu chéo đến nay đã cơ bản được khắc phục. Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn phát sinh nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân có thể nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần hoặc thành lập các doanh nghiệp khác nhau trong hệ sinh thái để có thể vay vốn ngân hàng.v.v… Đây là những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong thiết kế Dự thảo luật các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này.

Thống đốc cũng cho biết hiện dự thảo luật các tổ chức tín dụng đang quy định mở rộng phạm vi, khái niệm của người có liên quan, cũng như là giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng và giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng nhằm chống tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên, để quy định này có tác động đến nền kinh tế nói chung và các thị trường chứng khoán hay thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng thì cần tiếp tục đánh giá một cách tổng thể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga -

Anh Đức -

Đức Minh