Khi thổ cẩm “kể chuyện”

Đối với nhiều dân tộc thiểu số, mỗi tấm vải thổ cẩm được dệt ra không chỉ là sản phẩm vật chất, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người làm mà còn ẩn chứa giá trị của sức lao động, gửi gắm niềm tin, thể hiện bản sắc riêng của từng dân tộc. Đối với người Ê Đê tại Tây Nguyên cũng vậy, từng sản phẩm thổ cẩm đều chứa đựng một ý nghĩa, một câu chuyện.

Vẫn là những chiếc túi, ví, chiếc váy, áo thổ cẩm nhưng thổ cẩm của người Ê Đê không rực rỡ sắc màu như các dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc. Với người Ê Đê, thổ cẩm chỉ gồm các màu cơ bản như: đen, đỏ, vàng, xanh. Màu đen hoặc chàm sẫm thể hiện sự trang nghiêm, đứng đắn. Màu vàng hay đỏ lại là biểu tượng của sự dũng cảm, sức mạnh và nhiệt huyết.

Từ những màu sắc đơn giản, trong mỗi tấm vải thổ cẩm, người Ê Đê sẽ phối kết thành các hình tượng cây cối, con vật, đồ vật để làm hoa văn như: con rồng, con rùa, thằn lằn, con voi, cây dương xỉ, quả trám. Trong mỗi hoa văn, họ đều gửi gắm về quan niệm sống, niềm tin với thần linh, tình yêu thiên nhiên.

Thổ cẩm cũng là nơi những người phụ nữ Ê Đê gửi gắm câu chuyện cuộc đời của họ. Như với bà H Yar Kbuôr, việc dệt thổ cẩm như viết lên tấm vải câu chuyện của bản thân. Đó là nỗi lòng của người phụ nữ khuyết tật nhưng vẫn vượt lên số phận với nghề dệt truyền thống. Bà cũng đã kêu gọi được nhiều chị em cùng tham gia tổ hợp tác với mình.

Vẫn còn đó, nhiều bí ẩn đằng sau tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu. Ngày nay, thổ cẩm của người Ê Đê đã đi vào thời trang hiện đại với sự cách tân, đổi mới. Tuy đi muôn nơi nhưng mỗi sản phẩm thổ cẩm vẫn mang linh hồn, cảm xúc mà người dệt gửi gắm. Những đường nét hoa văn, màu sắc riêng biệt, thể hiện đặc trưng văn hoá tộc người mà không thể hoà lẫn vào đâu được.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Kim Liên -

Việt Bảo -

Đức Hưng