Kiên quyết khắc phục tình trạng “nợ" ban hành văn bản quy định chi tiết luật

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình tổ chức triển khai 34 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước kỳ họp thứ 5, cũng như việc chuẩn bị triển khai các luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, thời gian qua, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.

Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành được 38 văn bản, trong đó 10 văn bản đã được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Còn lại 10 văn bản chưa được ban hành. Về quá trình triển khai luật, Phó Thủ tướng cũng nhận định có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH thẳng thắn chỉ ra, chất lượng một số văn bản hướng dẫn luật chưa bảo đảm chất lượng, có "tuổi thọ" ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn, hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân kết quả các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó giúp các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới trong luật, nghị quyết, chủ động phương án, nguồn lực thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành, bảo đảm nguồn lực cho việc thi hành luật, nghị quyết.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.

Về triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần chủ động phối hợp chặt chẽ “từ sớm, từ xa” với các Bộ, cơ quan, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam