Kinh phí xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới: Bộ Tài chính nói "đủ", Bộ GD&ĐT báo cáo "chưa bảo đảm"

Sáng 27/4, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ

Buổi làm việc nhằm trao đổi, làm rõ về Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khaiKinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Đội ngũ nhà giáo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. 

Về kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo báo cáo phía Bộ Tài chính, ngân sách trung ương bảo đảm đủ, kịp thời để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ. Đến nay đã bố trí trên 146 tỷ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, 105 tỷ cho phí thẩm định sách giáo khoa, hơn 40 tỷ cho biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc. Tuy nhiên Đoàn giám sát nhận thấy, có sự khác nhau về nhận định cũng như số liệu giữa báo cáo của 2 Bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kinh phí thẩm định sách giáo khoa đến hết năm 2022 là trên 87 tỷ đồng; Kinh phí tổ chức và biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số đến hết năm 2022 là 53 tỷ đồng; kinh phí phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương đến hết năm 2022 là 2 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khó đánh giá về mức độ, hiệu quả đầu tư cho giáo dục cũng như cơ chế phối hợp, điều hoà ngân sách của các bên.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, kết quả kiểm toán từ năm 2015 cho đến nay cho thấy ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo không đạt dự toán đề ra.

Giải trình vấn đề mà Đoàn giám sát và các đại biểu đặt ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc chênh lệch số liệu do sự phối hợp và tổng hợp theo cách thức khác nhau. Tuy nhiên Bộ Tài chính khẳng định, việc phân bổ dự toán chi cho giáo dục từ năm 2018-2020 đều đạt trên 20%. Qua đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị Đoàn giám sát nhìn nhận và đánh giá lại mức độ phù hợp của quy định bắt buộc “bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước” bởi trên thực tế hiện nay không phải địa phương nào cũng có nhu cầu chi như vậy.

Dương Dung – Phan Hằng - Vũ Hiếu