• 1518 lượt xem
  • 07:43 13/07/2022
  • Xã hội

Lắng nghe cộng đồng người Việt tại Séc về chính sách, pháp luật quốc tịch

Trong bối cảnh giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam là vấn đề đang được Nhà nước và Chính phủ quan tâm, chiều 12/7, tại Hà Nội, tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến về chính sách pháp luật quốc tịch đã được tổ chức.

Đây là lần đầu tiên một toạ đàm về vấn đề chính sách pháp luật quốc tịch được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức, nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này, từ đó đề xuất tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của kiều bào.

Ông NGUYỄN MẠNH TIẾN, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội: “Chúng tôi sẽ cùng nhau tổ chức thêm một số cuộc nữa, đến khi nào nghe được đầy đủ những phản ánh, tâm tư nguyện vọng của các cô bác người Việt Nam ở nước ngoài, để chúng ta có thể có cơ sở đề xuất giải quyết những nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến vấn đề quốc tịch, đầu tư, sản xuất kinh doanh, để thực sự cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng không thể tách rời khỏi Việt Nam.” 

Tại toạ đàm, với sự kết nối từ 10 đầu cầu tại Cộng hòa Séc, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng, các đại biểu đã trực tiếp trả lời các vướng mắc của kiều bào về vấn đề pháp lý quốc tịch. Đại diện Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp khẳng định, Việt Nam linh hoạt trong việc cho phép kiều bào giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong những trường hợp đặc biệt được quy định rõ tại Luật Quốc tịch Việt Nam. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Tiến sỹ NGUYỄN DUY NHIÊN, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Séc: “Mong muốn trở lại quốc tịch Việt Nam của một số tương đối đông bà con mình đang sinh sống tại Cộng hòa Séc là nguyện vọng chính đáng, để bà con được trở về với quê hương, trở về cội nguồn. Được tất cả các đại biểu các đơn vị có liên quan trực tiếp có thể đề đạt, giải quyết những vấn đề đang tồn đọng, đang cần giải quyết cho bà con ở Cộng hòa Séc, lắng nghe ý kiến tiếp thu cùng nhau trao đổi, hội nghị đã rất thành công.” 

Trong thời gian tới, việc sửa đổi Luật Quốc tịch có thể được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội, chính vì vậy Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi tọa đàm với những nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, để trực tiếp lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào và có những tham mưu chính xác với Đảng và Nhà nước trong vấn đề này. 

Hồng Nhung